Chiều 22-7 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì cuộc gặp mặt thân mật với các đại biểu người có công và thân nhân tiêu biểu.
Trước buổi lễ, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng các đại biểu dành phút mặc niệm, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chủ tịch nước lưu ý việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ lòng thành kính đến các anh hùng liệt sĩ, đồng bào anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.
Ông cũng trân trọng gửi những lời chào thân ái, thăm hỏi chân tình, tình cảm sâu nặng, lòng biết ơn sâu sắc tới các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công.
Người đứng đầu Nhà nước chia sẻ 77 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, ưu đãi với người có công.
Chủ tịch nước hoan nghênh, đánh giá cao ý chí tự lực, tự cường của nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, trở thành gương sáng lao động, sản xuất, góp phần bảo vệ, xây dựng quê hương đất nước.
Để tiếp tục làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công và gia đình thương binh – liệt sĩ, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tiếp tục quan tâm, thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về người có công.
Tiếp tục giải quyết tốt các chế độ, chính sách, khắc phục hậu quả sau chiến tranh, tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ…
Quan tâm cải thiện đời sống, đảm bảo 100% người có công có mức sống trên trung bình so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú và hưởng các chế độ, chính sách đầy đủ nhất.
Chủ tịch nước cũng lưu ý nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ.
Ngoài kết quả đạt được, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần tập trung nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện chính sách pháp luật người có công, phù hợp với thực tiễn, góp phần bù đắp đau thương, mất mát, hậu quả sau chiến tranh.
Sẽ trả lại tên cho 300.000 liệt sĩ
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công và thân nhân, trong đó chế độ, ưu đãi ngày càng cao.
Đơn cử từ ngày 1-7, Chính phủ đã có nghị định 77/2024 nâng chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng lên 2,789 triệu đồng (tăng 35,7%), cao hơn lương cơ sở.
Nhiều gia đình người có công, Bà mẹ Việt Nam anh hùng được thăm hỏi, động viên, hỗ trợ.
Cả nước đã giải quyết dứt điểm được hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh…
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng triển khai đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, chủ yếu bằng giám định ADN và thực chứng.
Đến nay, lực lượng chức năng đã thu thập được 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ.
Qua đó, hơn 1.000 danh tính liệt sĩ được đối sánh, báo tin về cho thân nhân.
Dự kiến, ngày 23-7, Thủ tướng sẽ công bố Ngân hàng gene liệt sĩ chưa xác định thông tin và thân nhân liệt sĩ, từng bước trả lại tên cho 300.000 liệt sĩ chưa xác định thông tin.