Theo báo Wall Street Journal, nhà sản xuất máy bay Boeing đang có khoảng 200 máy bay thương mại đã hoàn thiện hoặc gần hoàn thiện “nằm đắp chiếu” vì thiếu phụ tùng, động cơ, hay thậm chí là cả nội thất.
Do lượng máy bay nằm chờ phụ tùng, linh kiện quá lớn, chỉ một phần trong đó được đỗ tại các sân bay. Số còn lại bị bỏ không bên ngoài nhà máy. Thậm chí, tại một cơ sở sản xuất, bãi đỗ xe nhân viên còn được trưng dụng để cất máy bay.
Wall Street Journal lý giải sự chậm trễ trong việc chuyển giao các bộ phận máy bay xuất phát từ sự thiếu hụt chuỗi cung ứng vốn đã kéo dài từ đại dịch.
Tiêu biểu trong đó là việc các bên cung cấp ghế ngồi vì thiếu vật liệu sản xuất mà không thể đáp ứng nhu cầu của Boeing. Một số bộ phận điều hòa nhiệt độ cho máy bay cũng ngày càng khan hiếm.
Việc 200 máy bay Boeing hoàn thiện nhưng không được đưa vào sử dụng đã khiến nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới phải chịu lỗ khoảng 1 tỉ USD mỗi tháng.
Đây được xem là tin tồi tệ trong bối cảnh tập đoàn này hứng chịu hàng loạt các bê bối liên quan đến vấn đề an toàn hàng không từ đầu năm đến nay.
Đáng nói, số máy bay phải nằm không còn nhiều hơn số máy bay Boeing cho xuất xưởng trong năm 2024.
Từ đầu năm đến nay, hãng này mới chỉ chuyển giao 175 máy bay thương mại, giảm sâu so với cùng kỳ năm 2023 với 266 chiếc. Điều nay là hệ quả trực tiếp từ việc Boeing bị Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) giới hạn số máy bay sản xuất sau một loạt sự cố kỹ thuật hồi đầu năm.
Nhà phân tích hàng không – vũ trụ tại ngân hàng đầu tư Bank of America Ron Epstein – nhận định thời điểm các máy bay này được chuyển giao vẫn còn là một ẩn số.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Những chiếc máy bay không thể cứ nằm ì đó được. Rồi chúng ta sẽ phải tìm cách giải quyết chúng”.