Họ quảng cáo gì trên đó? Từ dịch vụ rút hầm cầu, cho vay nóng, rủ rê cờ bạc cá độ… đến đủ kiểu dịch vụ, rao bán đủ thứ. Chưa bàn đến những hậu quả, các kiểu lừa đảo, dẫn dụ từ các quảng cáo này, chỉ riêng việc bôi bẩn không gian phố phường, làng xóm đã đủ xử phạt rồi.
Nhưng đã phạt được bao nhiêu? Theo báo Tuổi Trẻ, chủ một số điện thoại quảng cáo dịch vụ rút hầm cầu đã từng bị phạt bây giờ tái xuất hiện trên bờ tường, cổng nhà, cột điện nhiều quận huyện tại TP.HCM.
Cũng vẫn là dịch vụ rút hầm cầu và cũng đúng là người năm kia bị phạt (theo Tuổi Trẻ). Điều này cho thấy người vi phạm không sợ phạt hoặc mức phạt như “phủi bụi” so với lợi ích lớn họ có được từ kiểu quảng cáo này.
Nhiều quận huyện từng làm căng khi gửi thông tin các số điện thoại quảng cáo trái phép đến các nhà mạng. Nhưng đáng buồn là thông qua báo chí, những địa phương này có nói bây giờ đã không gửi thông tin đến nhà mạng nữa vì tình trạng dán bậy có giảm.
Tôi không tin tình trạng quảng cáo cột điện đã giảm bởi thực tế cho thấy nay giảm mai tăng, dọn sạch chỗ này họ dán chỗ khác, thậm chí dán ngay vào chỗ mới vừa dọn sạch hôm qua!
Có nhà mạng nào mạnh tay cắt số điện thoại quảng cáo dán bậy và công khai thường xuyên chưa? Tôi mong đọc thấy những thông tin hữu ích này, tiếc là không thấy. Vậy, có sự dung dưỡng tình trạng này từ các nhà mạng không?
Và vì sao chính quyền địa phương từng gửi danh sách các số điện thoại có dấu hiệu vi phạm cho nhà mạng để rồi dường như họ cũng đã… nản lòng?
Có phải nhà mạng chưa chung tay xử lý hay nói thẳng ra là vẫn còn sự lơ là, bởi vì chủ máy kia là khách hàng của họ? Việc quảng cáo sai phép tràn lan này bao năm chưa thể dẹp nổi bởi vì thiếu sự kiên quyết và đủ mạnh trong khâu xử lý chủ số điện thoại.
Nhìn hình ảnh bà con phường Thới An, quận 12 từng nhà cùng nhau đi dọn rác quảng cáo (Tuổi Trẻ Online 23-7), thấy rõ sự tích cực và trách nhiệm của họ.
Nhưng tôi lại nghĩ về phường nhà mình, nơi có hàng trăm lần thanh niên tình nguyện đi gỡ quảng cáo nhưng có dẹp hẳn được nạn dán bậy đâu! Một bức tường nhà vừa sơn mới, chủ nhà dán giấy khổ A4 nhắc nhở “xin vui lòng không dán quảng cáo”, hai ngày sau đã thấy decal quảng cáo dán ngay kế bên lời nhắc của chủ nhà!
Không bực bội, không phẫn nộ mới lạ! Nhất là các mẩu quảng cáo dán dính ngày càng khó bóc gỡ hơn. Bao nhiêu bức tường thành xấu xí lem nhem ngay cả khi các quảng cáo đã được gỡ!
Bao nhiêu lần tường được sơn mới và ít lâu sau lại có rác quảng cáo mới! Bao nhiêu nhà chờ trạm xe buýt đã bị bôi bẩn kiểu này! Ai dọn cho nổi!
Câu chuyện ở đây không chỉ là công sức người đi dọn rác quảng cáo thành đổ sông đổ biển mà còn ở sự coi thường pháp luật và quy định của nhóm người tổ chức đi dán quảng cáo.
Phải trị mạnh tay việc này, bắt đầu từ việc xử phạt chủ thuê bao, cắt số và công khai vi phạm cũng như cách xử lý. Có vậy mới mong bớt rác quảng cáo.
Cần có biện pháp giải quyết phần gốc
Bài “Cán bộ phường tại TP.HCM đến từng nhà dân kêu gọi bóc quảng cáo dán bậy” (Tuổi Trẻ Online 23-7) đã thu hút nhiều bạn đọc cùng góp ý xử lý triệt để phần gốc. Tức là mạnh tay xử lý chủ các số điện thoại trên bờ tường, cột điện.
“Bóc xong rồi lại bị dán lại, biết khi nào xong!”, bạn đọc XNQ nêu ý kiến. Bạn đọc Lê Văn Quyển phân tích: “Thời gian để xóa một tờ quảng cáo hôm nay, hôm sau cùng thời gian đó họ dán được 10 tờ khác”.
“Camera gắn khắp xóm phường sao tình trạng dán bậy vẫn tràn lan. Rồi bà con và lực lượng thanh niên lại xuống đường dọn rác bóc gỡ decal dán bậy. Chúng ta đang đi dọn rác quảng cáo hay chúng ta nên tích cực phòng chống sẽ hay hơn?”, bạn đọc Phương đặt vấn đề.
“Cách hay nhất là lực lượng chức năng địa phương ghi lại hình ảnh làm bằng chứng gởi cho nhà mạng để yêu cầu xử lý theo pháp luật”.
Theo bạn đọc XNQ: “Có số điện thoại rõ ràng đó, phạt nặng chủ thuê bao đó nếu phát hiện quảng cáo dán bậy, may ra giảm bớt quảng cáo dán kiểu này”. Một bạn đọc góp ý: “Có số điện thoại đó rồi, tại sao các cơ quan có chức năng và quyền hạn lại không xử lý theo pháp luật và quyền hạn?”.
Bạn đọc Coc đề nghị: “Sao không xử lý mạnh với các điểm in ấn decal, tổ chức đi dán quảng cáo khắp phố phường. Sao không thể khóa số điện thoại quảng cáo, xử phạt cá nhân, đơn vị in trên quảng cáo?”.
Còn bạn đọc có tài khoản phuo****@gmail.com nêu ý kiến: “Tại sao lại không gọi các chủ thuê bao của các số điện thoại trên các tờ quảng cáo đó đến bóc nhỉ? Sau đó là xử phạt hành chính”.
Bạn đọc Heodemi góp ý thêm: “Sau khi tiến hành các thủ tục xác nhận thì xử phạt vi phạm hành chính với chủ nhân số điện thoại trên quảng cáo vi phạm”.
Nên học cách trị dán bậy ở Đà Nẵng bằng cách khóa số điện thoại đăng trên quảng cáo đó, và phải bắt bằng được người dán, bắt họ đi bóc.
Bạn đọc Khánh