Ngày 1-8, với chủ đề “Logistics xanh – Nền tảng phát triển bền vững”, hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực logistics đã tham gia xúc tiến giao thương tại Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2024 (VILOG 2024) do Bộ Công Thương tổ chức.
Ngành logistics Việt Nam hướng đến tiêu chí xanh
Giải thích thêm về chủ đề của triển lãm năm nay, ông Đào Trọng Khoa, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cho biết phát triển xanh và bền vững là chiến lược phát triển mà Việt Nam đang hướng đến trong thế kỷ 21.
Để thực hiện chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó dịch vụ logistics là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm. “Logistics xanh” không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, là tiêu chí quan trọng để các doanh nghiệp logistics đóng góp vào chiến lược này.
“Logistics xanh cũng sẽ là chủ đề của Đại hội thế giới Liên đoàn Các hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế mà VLA sẽ đăng cai tổ chức vào tháng 10-2025 tới đây”, ông Khoa thông tin thêm.
Ông Alexander Olsen, giám đốc điều hành Công ty giao nhận và vận tải quốc tế ITL, nói Việt Nam được đánh giá là thị trường đang lên của ngành logistics, khi là một trong những trung tâm sản xuất, thương mại quan trọng trên thế giới. Các doanh nghiệp đang chứng kiến sự bùng nổ của ngành tại thị trường này và đang tiếp tục đầu tư, để đón đầu cơ hội “xanh hóa” nằm trong xu hướng của thế giới.
Theo bà Phan Thị Thắng – thứ trưởng Bộ Công Thương, triển lãm năm nay quy tụ trên 450 gian hàng của các doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng trưởng 30% so với năm 2023, cho thấy sức hấp dẫn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư với lĩnh vực này.
Trong đó có sự tham gia của nhiều công ty hàng đầu trong ngành logistics, như các tập đoàn SeaRates by DP World (UAE), JGL Worldwide (Singapore), ITL (Việt Nam), Cảng quốc tế Long An (Việt Nam), Tập đoàn DHL (Đức) và SLP (SEA Logistics Việt Nam)….
Các tập đoàn giới thiệu một loạt giải pháp công nghệ thông tin, bao gồm phần mềm quản lý logistics tiên tiến, giải pháp tự động hóa, nền tảng hậu cần AI và IoT, ứng dụng công nghệ blockchain để minh bạch chuỗi cung ứng…, hướng đến chuỗi cung ứng xanh. Đồng thời thúc đẩy khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực logistics, tối ưu hóa chi phí và giảm thiểu tác động đến môi trường.
“Với việc Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất – thương mại quan trọng trên thế giới, cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, ngành logistics trong nước đang chứng kiến những thay đổi đáng kể, thu hút quan tâm của các doanh nghiệp và nhà đầu tư”, bà Thắng nhận định.
Việt Nam trong top 10 thị trường logistics mới nổi
Lĩnh vực “vận tải & giao nhận” tại Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2024 là tâm điểm của sự kiện, thu hút sự tham gia đa dạng của khoảng 100 đơn vị tham gia. Khu vực nhộn nhịp này có sự góp mặt của những cái tên nổi bật như THACO Industries, Vina Dowell, ACT Logistics từ Việt Nam, Transit từ Nga.
Đặc biệt, ba tổ chức networking và nền tảng thương mại điện tử lớn từ Trung Quốc bao gồm Orange Logistics Organization (OLO), WIFFA và Breakbulk Club cũng tham gia VILOG 2024 với sự có mặt của những thành viên tên tuổi trong tổ chức.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả Logistics (LPI) Việt Nam đang đạt 3,3 điểm, tăng 0,03 điểm so với kết quả năm 2018 và là mức điểm cao nhất của Việt Nam kể từ khi nghiên cứu này được công bố.
Việt Nam cũng nằm trong top 10 thị trường logistics mới nổi, xếp hạng 4 về chỉ tiêu cơ hội logistics quốc tế, được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Doanh nghiệp dịch vụ logistics ngày càng tăng lên cả về số lượng và chất lượng.
Cũng theo bà Phan Thị Thắng, ngành logistics đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam khắc phục khó khăn trước những biến động địa chính trị trên toàn cầu, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam liên tục tăng trưởng. Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 440,62 tỉ USD.