F-16 có thay đổi cục diện cuộc chiến ở Ukraine?

(Từ trái sang) Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo chụp ảnh cạnh chiếc tiêm kích F-16 tại sân bay quân sự Melsbroek ở Steenokkerzeel, đông bắc Brussels (Bỉ), vào ngày 28-5 năm nay – Ảnh: AFP

Ngày 1-8, Hãng tin AP dẫn lời một quan chức Mỹ xác nhận Ukraine đã nhận được những chiếc tiêm kích F-16 đầu tiên từ các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Một nghị sĩ Ukraine cũng khẳng định Ukraine đã nhận được “số lượng nhỏ” tiêm kích F-16.

Giữ đúng cam kết

Không rõ lô tiêm kích F-16 đầu tiên được giao cho Ukraine có bao nhiêu chiếc và nước nào đã cung cấp chúng. Tính đến 17h ngày 1-8 (giờ Việt Nam), Kiev chưa cung cấp thông tin chi tiết về lô tiêm kích này. 

Hiện chưa rõ những phi công Ukraine được các đồng minh phương Tây hỗ trợ huấn luyện thời gian qua đã có thể vận hành những chiếc F-16 này ngay chưa hay sẽ cần thêm thời gian để sử dụng chúng.

Ukraine đã rất mong muốn nhận được những chiếc F-16 trong 2,5 năm qua vì tin rằng chúng rất cần thiết để đẩy lùi các loạt tấn công tên lửa của Nga. Mãi đến tháng 5-2023, chính quyền Tổng thống Joe Biden – vốn lo ngại việc cung cấp F-16 sẽ làm leo thang chiến tranh với Nga – mới đảo ngược chính sách để cho phép các đồng minh cung cấp tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine.

Trong nhiều thập niên, F-16 được ca ngợi vì độ chính xác, tốc độ và tầm hoạt động. Máy bay này được trang bị pháo 20mm, được ví như “ngựa thồ”, có thể mang nhiều bom, rocket và tên lửa. F-16 chuyên được dùng để áp chế hệ thống phòng không của đối phương (SEAD), có thể bay với tốc độ gấp đôi tốc độ âm thanh và có tầm hoạt động tối đa hơn 3.200km.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 10-7, các nước thành viên thông báo đã bắt đầu chuyển F-16 cho Ukraine. Ông Biden nói Đan Mạch và Hà Lan đã bắt đầu gửi tiêm kích này đến Ukraine, thực hiện lời hứa quan trọng vào năm ngoái với Kiev. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lúc đó cho rằng những chiếc F-16 sẽ “giúp xích lại gần hơn tới việc đạt được hòa bình lâu dài”.

Mỹ cũng đã đào tạo phi công Ukraine lái máy bay F-16 với nhóm đầu tiên tốt nghiệp hồi tháng 5. Tuy nhiên, quá trình này không diễn ra suôn sẻ. Đã có một số chậm trễ, rào cản ngôn ngữ giữa phi công Ukraine và người đào tạo, cũng có những lo ngại là Ukraine không có đủ đường băng thích hợp cho tiêm kích F-16.

Chưa nhiều tác động

Theo báo New York Times, các quan chức Ukraine kể lại rằng vào đầu tháng 7 một chiếc drone do thám đã xuất hiện ở khu vực có căn cứ không quân của Ukraine mà không bị phát hiện. Chỉ vài phút sau khi chiếc drone này chuyển tiếp được dữ liệu mục tiêu trở về căn cứ Nga, một loạt tên lửa đạn đạo đã tấn công sân bay tại căn cứ không quân của Ukraine.

Chị Valeria Minenko, 21 tuổi, sống gần căn cứ không quân ở Myrhorod, miền trung Ukraine – một trong nhiều mục tiêu liên tục bị Nga tấn công những tháng gần đây, cho biết: “Đòn tấn công đầu tiên đó mạnh đến nỗi ngay cả cửa sổ nhà chúng tôi cũng rung chuyển. Bây giờ họ liên tục tấn công căn cứ không quân này bằng tên lửa”.

Chiến lược của Ukraine là giữ được trận địa phòng không với sự hỗ trợ của các tiêm kích F-16. Hồi tháng 7, khi xác nhận việc chuyển giao F-16 từ Đan Mạch và Hà Lan đang diễn ra, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói “những máy bay này sẽ bay trên bầu trời Ukraine vào mùa hè năm nay để đảm bảo rằng Ukraine có thể tiếp tục tự vệ hiệu quả trước cuộc tấn công của Nga”.

Mặc dù một số chuyên gia quân sự đánh giá F-16 sẽ trở thành yếu tố thay đổi cục diện trong xung đột Nga – Ukraine, bởi loại tiêm kích này có thể giúp tăng cường khả năng phòng không cho Ukraine. 

Ukraine hy vọng F-16, loại máy bay được trang bị hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ và một loạt vũ khí khác, có thể được sử dụng phối hợp với các vũ khí khác của phương Tây như hệ thống phòng không Patriot để mở rộng phạm vi gây nguy hiểm cho phi công Nga. 

Họ cũng hy vọng F-16 sẽ bổ sung lớp bảo vệ cho các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và drone của Nga.

Tư lệnh Hải quân Ukraine Oleksii Neizhpapa chỉ ra việc Ukraine tiếp nhận F-16 sẽ thách thức “sự thống trị hoàn toàn” của Nga trên bầu trời ở Biển Đen. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý ngay lúc này tình trạng thiếu phi công được đào tạo bài bản và số máy bay F-16 được bàn giao hạn chế sẽ tạo ra ít tác động lớn trên chiến trường.

Nga cảnh báo bắn hạ F-16

Ngày 1-8, Điện Kremlin cảnh báo bất kỳ chiếc F-16 nào được chuyển cho Ukraine đều sẽ bị bắn hạ và chúng sẽ có ít tác động tới chiến trường.

“Số máy bay này sẽ giảm dần, chúng sẽ bị bắn hạ. Tất nhiên những đợt chuyển giao này sẽ không có tác động đáng kể nào đến diễn biến của các sự kiện trên chiến trường” – người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

130

Theo báo The Kyiv Independent, Ukraine dự kiến sẽ nhận được ít nhất 79 chiếc tiêm kích F-16 từ Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ, Na Uy và việc bàn giao sẽ tiếp tục trong những năm tới. Trong khi đó, giới chức Ukraine cho biết Kiev cần ít nhất 130 chiếc F-16 để vô hiệu hóa sức mạnh không quân của Nga.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *