Đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh thương mại điện tử, do Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Hội Thương mại điện tử Việt Nam và Công ty cổ phần Misa tổ chức hôm 2-8.
Nở rộ hình thức livestream bán hàng
Bà Cúc đánh giá cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100 – 150 tỉ đồng/phiên.
Đây là cơ hội lớn cho các nhãn hàng gia tăng doanh thu và thúc đẩy kinh tế chung của toàn xã hội.
Tuy nhiên, về nghĩa vụ thuế, bà Cúc khuyến cáo cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh thương mại điện tử cần chấp hành đầy đủ, nhất là có hoạt động livestream bán hàng cho các nhãn hàng.
Ông Nguyễn Lâm Thanh – đại diện TikTok Việt Nam – cũng nhận định mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết đang rất phổ biến trên tính năng thương mại điện tử TikTok Shop.
Những vấn đề về thuế đang được các nhà bán hàng, nhà sáng tạo nội dung đặc biệt quan tâm là khoản phải nộp khi có doanh thu, nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động tiếp thị liên kết…
Theo các chuyên gia về thuế, tiếp thị liên kết (affiliate marketing) là hình thức kiếm tiền online, thông qua hoạt động quảng cáo các sản phẩm/dịch vụ của nhãn hàng đến người tiêu dùng.
Khi giới thiệu và bán hàng thành công bằng cách người tiêu dùng nhấp vào liên kết sản phẩm, dịch vụ hoặc thực hiện mua hàng thì cá nhân làm liên kết tiếp thị sẽ nhận được hoa hồng trên mỗi đơn hàng.
Nên đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo kê khai
Về nghĩa vụ thuế, theo bà Cúc, cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ phải đăng ký, kê khai và nộp thuế.
Do doanh thu mỗi phiên livestream bán hàng cho các nhãn hàng thường rất lớn nên bà Cúc khuyên các cá nhân, hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo phương thức kê khai. Mức thuế phải nộp là 7% trên hoa hồng nhận được gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế.
Trường hợp không đăng ký kinh doanh, tiền hoa hồng được hưởng sẽ tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần có mức cao nhất tới 35%.
“Trường hợp không tự đăng ký, kê khai và nộp thuế, ngoài việc bị truy thu thuế, người nộp thuế còn bị phạt chậm nộp thuế 0,03%/ngày. Nếu cơ quan chức năng phát hiện cố tình trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên thì người nộp thuế sẽ bị xử lý hình sự” – bà Cúc nói.
Thông tin thêm, bà Cúc cũng đánh giá, trong những năm gần đây, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã quyết liệt chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý thuế theo phương thức rủi ro, trong đó có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Số tiền thuế mà các cục thuế, nhất là Cục Thuế Hà Nội, Cục thuế TP.HCM đã truy thu tiền thuế, tiền phạt của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Như trong 6 tháng đầu năm, theo bà Cúc, Cục Thuế TP.HCM đã rà soát hơn 7.100 doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử. Qua đó, cơ quan thuế đã đôn đốc, hỗ trợ kê khai và nộp thuế được gần 1.300 tỉ đồng; truy thu, xử phạt hơn 1.300 trường hợp với tổng số tiền 71 tỉ đồng.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, doanh thu quản lý năm 2022 là 3,1 triệu tỉ đồng có số thuế thu được là 83.000 tỉ đồng.
Năm 2023, doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỉ đồng. Số thuế thu được là 97.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, trong 3 năm từ 2021 – 2023, qua thanh tra, ngành thuế đã xử lý 22.259 trường hợp vi phạm với số thuế truy thu tăng thêm 3.000 tỉ đồng.