Ông Nguyễn Mỹ Hải, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn đặt câu hỏi như vậy tại Hội thảo “Carbon rừng – Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng” do Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 3-10.
Nhiều tỉnh muốn tự bán tín chỉ carbon
Theo ông Hải, tỉnh Bắc Kạn có khoảng 370.000ha rừng, chiếm 80% diện tích của tỉnh. Do đó có thể nói 80% người dân của tỉnh sống dựa vào rừng.
“Với vai trò của rừng rất lớn và tỉ lệ che phủ rừng của tỉnh cao thì Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên nhắc nhở chúng tôi rằng, qua thông tin báo chí thấy rằng nhiều địa phương bán được tín chỉ carbon rừng, tại sao Bắc Kạn lại không bán được?
Vậy xin hỏi ai có quyền bán carbon rừng (người dân, chủ rừng hay tỉnh được bán)?
Khi xác định được người bán rồi thì bán như thế nào? Sau khi bán được rồi thì chi như thế nào?” – ông Hải đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Quang Bảo, cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết đây là câu hỏi chung của nhiều tỉnh như Lào Cai, Sơn La, Kon Tum, Quảng Nam… đang xin thí điểm bán riêng nhưng lại gặp những vướng mắc.
Theo ông Bảo, thị trường carbon Việt Nam (mua bán công khai, minh bạch) chưa hình thành. Theo nghị định 06/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon và dự thảo nghị định sửa đổi thì phải đến năm 2028 mới hình thành và khi đó mới có giao dịch hạn ngạch.
Như vậy, từ nay đến giai đoạn thị trường carbon Việt Nam chính thức hình thành thì có thể thí điểm (nếu được Chính phủ cho phép) và thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) Bắc Trung Bộ là một thí điểm.
Về mặt nguyên tắc, các tỉnh có thể đề nghị Thủ tướng hoặc Chính phủ cho phép mua bán chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.
Tuy nhiên, hiện nay các đối tác quốc tế chủ yếu quan tâm đến thị trường carbon rừng tự nhiên, nỗ lực giảm phát thải của rừng tự nhiên.
“Rừng tự nhiên là tài sản nhà nước, nếu tài sản nhà nước ở cấp 1 tỉnh, 1 chủ rừng thì rất khó. Quy mô rừng phải đủ lớn để tạo thành một dự án đo đếm, các tổ chức quốc tế thường quan tâm đến tính liền vùng” – ông Bảo nói.
Bộ đang xin chính sách riêng cho vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
Theo ông Bảo, một số địa phương có tiềm năng lớn về carbon rừng như Quảng Nam, Gia Lai… thì có thể xây dựng theo hướng đàm phán riêng.
Tuy nhiên, việc này hiện nay đang gặp những vướng mắc. Vì rừng tự nhiên là tài sản sở hữu của nhà nước, nên hiện nay về việc quyền sở hữu carbon và chia sẻ lợi ích thì chưa được thể chế trong pháp luật chung.
“Như vậy, đối với đàm phán của Bắc Trung Bộ phải có một nghị định thí điểm riêng. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xin một chính sách và nghị định riêng cho vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Do đó, các địa phương có quyền đề nghị với Thủ tướng hoặc Chính phủ nhưng để tự địa phương làm việc này sẽ rất khó khăn” – ông Bảo nhấn mạnh.
Về việc bán như thế nào, ông Bảo cho biết do chưa có sàn giao dịch tín chỉ carbon nội địa, nên muốn bán phải có đề án đàm phán và đề án này phải xin ý kiến bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nếu tự địa phương làm việc này cũng sẽ rất khó khăn.
Còn khi bán được rồi thì cơ chế chia sẻ lợi ích của chúng ta cũng tương đối dễ, vì chúng ta có hệ thống chi trả dịch vụ môi trường rừng và chi trả cho chủ rừng.
“Tỉnh Quảng Nam có nhà đầu tư sẵn sàng vào hỗ trợ xây dựng đề án, chương trình đo đếm giảm phát thải với tổng kinh phí lên tới 1 – 2 triệu USD để xác nhận được tín chỉ.
Tuy nhiên, hệ thống luật pháp Việt Nam cũng chưa cam kết được sau khi một nhà đầu tư bỏ tiền ra đo đếm thì cũng không giành được quyền ưu tiên, vì đây là tài sản nhà nước nên phải đấu thầu, do đó nhà đầu tư rút ra.
Đây chính là những rào cản về mặt thể chế nói chung. Với trách nhiệm là nhà tham mưu chính sách, chúng tôi cũng nhận diện được những vấn đề này và sẽ cố gắng phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ” – ông Bảo nói thêm.