Chiều 17-9, ông Nguyễn Văn Hưởng, trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết lúc 16h chiều nay (17-9), áp thấp nhiệt đới đang ở trên vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 620km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9.
Theo ông Hưởng, dự báo trong 24 giờ tới áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng tây, và có khả năng mạnh lên thành bão (cơn bão số 4) khi tới khu vực phía đông quần đảo Hoàng Sa.
Sau khi mạnh lên thành bão, bão sẽ di chuyển theo hướng tây tây bắc. Với hướng di chuyển như vậy, ông Hưởng cho biết hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới/bão gây ra gió mạnh cấp 6-7, ở khu vực Bắc Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, vùng gần tâm bão gió mạnh cấp 8.
Ở vùng biển Quảng Bình trong khoảng 24 đến 48 giờ tới sẽ có gió mạnh dần lên do áp thấp nhiệt đới/bão di chuyển vào.
“Đến thời điểm hiện tại (nhận định chiều 17-9), chúng tôi đánh giá khả năng cao nhất (xác suất 70%) là áp thấp nhiệt đới/bão di chuyển vào khu vực Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Khả năng thứ hai, áp thấp nhiệt đới/bão di chuyển lên vịnh Bắc Bộ hoặc phía nam của miền Trung, xác suất hai khả năng này chỉ 15%” – ông Hưởng nói.
Theo ông Hưởng, với kịch bản áp thấp nhiệt đới/bão di chuyển vào Thanh Hóa đến Quảng Ngãi thì vùng biển các tỉnh này sẽ chịu tác động trực tiếp.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tới, vùng biển Quảng Bình – Quảng Ngãi có gió mạnh. Từ ngày mai, vùng biển miền Trung có mưa. Từ chiều mai đến ngày 21-9, trên đất liền khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng.
“Dưới tác động của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão thì trên khu vực Bắc Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, vùng biển Thanh Hóa trở vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp gió mạnh, sóng lớn.
Do đó tàu thuyền hoạt động ở các khu vực này cần di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào các khu vực neo đậu, nuôi trồng thủy hải sản cần gia cố chắc chắn, nhất là ở Thừa Thiên Huế. Cần đề phòng ngập lụt ở vùng trũng thấp ven biển” – ông Hưởng cảnh báo.
Đối với đất liền, ông Hưởng lưu ý các hiện tượng mưa dông trước khi áp thấp nhiệt đới/bão có thể gây dông, lốc mạnh làm cây xanh gãy đổ, mái tôn, biển hiệu bị gió thổi bay.
“Mưa lớn cũng có khả năng gây ngập lụt ở khu vực đô thị. Đối với vùng núi và trung du khu vực Bắc và Trung Trung Bộ cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất như ở Bắc Bộ vừa qua” – ông Hưởng nói.