Không thể nói là không thất vọng, không thể nói là không mệt mỏi trước phán quyết bất lợi của Tòa phúc thẩm Paris ngày 22-8, nhưng bà Trần Tố Nga và các luật sư của bà khẳng định nghị lực và quyết tâm của họ sẽ không bị hao mòn, vụ kiện sẽ tiếp tục được kháng án lên Tòa giám đốc thẩm.
Trong những ngày chờ đợi phán quyết, bà Trần Tố Nga đã viết: “Một cách trung thực, không thể nói rằng tôi hoàn toàn hy vọng vào công lý của tòa án. Khi chính trị xen vào vụ kiện, một phán quyết đi ngược lại công lý như của tòa sơ thẩm là có thể hiểu, có thể đoán được. Hy vọng vào phán quyết của tòa chỉ mong manh, nhưng tôi không thể không hy vọng dù mong manh”.
Phán quyết không bất ngờ nhưng đáng buồn
Vậy nên chiều 22-8 khi nhận được tin nhắn từ luật sư, khi nhận được toàn văn bản án, bà Trần Tố Nga không bất ngờ dù không thể không thất vọng.
Đọc bản án dài 27 trang, những người Việt Nam từng hiểu rõ tác động của chất khai quang trên môi trường, từng chứng kiến những đau đớn không lối thoát, kéo dài và truyền đời của các nạn nhân chất độc da cam, sẽ không thể không bức xúc.
Tất cả những chứng lý và lập luận của bên nguyên đơn như: các công ty hóa chất vì lợi ích mà tham gia đấu thầu của chính phủ để được cung cấp các chất khai quang, diệt cỏ; các công ty đã lường trước tác hại của hóa chất trên môi trường và con người nhưng lại sản xuất các độc chất với hàm lượng dioxin vượt cả mức được đặt hàng… đều bị bác bỏ.
Ngược lại, những biện bác của các bên bị đơn như: phải tham gia sản xuất hóa chất theo lệnh của chính phủ trong thời chiến, nếu không sẽ bị xử lý theo pháp luật, chất da cam chỉ là chất diệt cỏ chứ không phải vũ khí, được hưởng quyền miễn trừ tài phán vì thực hiện nghĩa vụ quốc gia… lại đều được chấp nhận.
Bản án còn yêu cầu bà Trần Tố Nga phải bồi thường cho các công ty – tập đoàn đã tham gia tố tụng như Dow Chemical, Monsanto, Hercules, Uniroyal, Occidental, T-H… mỗi công ty 1.500 euro, trả phí kháng cáo và phí luật sư.
Ngay sau khi có thông tin về bản phán quyết, trang mạng xã hội của Tổ chức Collectif Vietnam – Dioxin tại Pháp đã đưa tin và nhận được rất nhiều bình luận tiêu cực của người Pháp về kết quả này và cho biết họ sẽ tiếp tục ủng hộ nếu bà Trần Tố Nga tiếp tục.
Luật sư William Bourdon, thay mặt bà Trần Tố Nga và nhóm luật sư, đưa ra tuyên bố với những người ủng hộ, theo dõi vụ kiện và báo chí sau khi nhận được bản phán quyết: “Cuộc chiến của bà Trần Tố Nga không kết thúc mà sẽ tiếp tục sau quyết định của Tòa phúc thẩm Paris. Bước tiếp theo của chúng tôi tất nhiên là kháng cáo lên Tòa giám đốc thẩm.
Xét trên nguyên tắc đúng đắn của pháp lý, các thẩm phán tòa phúc thẩm đã có một quyết định mang tính bảo thủ, trái ngược lại với tính tiến bộ và của luật pháp hiện đại, trái với luật pháp quốc tế cũng như luật pháp châu Âu. Cuộc chiến pháp lý vẫn sẽ tiếp tục, quyền quyết định sẽ thuộc về tòa án cấp cao hơn”.
Trần Tố Nga, người phụ nữ can trường
Luật sư Bourdon cho biết ông sẽ sớm kết thúc kỳ nghỉ hè để bắt tay vào thủ tục kháng cáo. Ông nhắn riêng với bà Trần Tố Nga: “Chúng ta hoàn toàn có thể thắng trước Tòa giám đốc thẩm. Tình bạn bè, tình đoàn kết của chúng ta là vĩnh cửu và chúng ta sẽ tiếp tục chiến đấu cùng nhau, bên nhau đến hơi thở cuối cùng”.
Mấy tháng nay bà Trần Tố Nga ở Việt Nam, những lịch trình công tác xã hội, cộng đồng của bà vẫn được lên lịch đến tận đầu tháng 9. Tối nay, đêm nay, bà đang nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của bạn bè ở Việt Nam và khắp thế giới gọi đến động viên, ủng hộ.
Bà cảm động nhắc lại điều bà đã nói rất nhiều lần trong suốt 14 năm theo đuổi vụ kiện: “Sự ủng hộ không phải với cá nhân tôi mà là với hơn 4 triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam chính là chiến thắng của tôi – của chúng ta.
Từ ngày những nạn nhân của chất độc da cam Việt Nam chìm trong bóng tối của đau khổ, đến nay nhờ vụ kiện này và những hoạt động vận động xung quanh ở khắp thế giới, bền bỉ qua mười mấy năm, đã ngày càng nhiều người trên thế giới hiểu được tội ác của chiến tranh hóa học.
Những năm qua, lần lượt nhân dân Pháp, Nhật, Thụy Sĩ, Bỉ và cả Mỹ nữa đã ủng hộ rất nhiều từ tinh thần đến tài lực, vật lực cho vụ kiện này và các chương trình hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam mà chúng tôi tổ chức.
Và không chỉ dừng ở những cá nhân, hội đoàn, năm ngoái, lần đầu tiên trên thế giới, Hạ viện Bỉ, với sự đồng thuận tuyệt đối của tất cả các đảng phái, đã ra nghị quyết ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam, chính thức công nhận với thế giới tác hại của chất độc da cam. Đó là những bước đi rất dài mà tôi và các bạn đã đi”.
Bà Nga mở danh sách những thư từ văn bản gửi đến hộp thư của bà một cách đầy tự hào: đội ngũ ủng hộ vụ kiện hiện đã lên đến 17 hội đoàn ở Pháp và nhiều nước khác cùng hàng ngàn cá nhân.
Trong đó các bạn trẻ ngày càng đông, ngày càng mạnh, ngày càng trang bị khoa học tiên tiến và hiện đại đã làm cho tội ác của chất độc da cam ngày càng được biết đến, vượt ra khỏi biên giới nước Pháp để bay đến Bỉ, Thụy Sĩ, Mỹ, và nhiều nước khác.
“Tố Nga không đơn độc”, những chữ ấy được lặp đi lặp lại không chỉ ở Việt Nam, không chỉ ở Pháp, ở New York, Brussels, Lausanne, mà ở mọi lúc mọi nơi khi người ta nói về vụ kiện, như một lời động viên, một cách truyền năng lượng và niềm tin.
Bà đã 82 tuổi nhưng nói cuộc chiến này vẫn sẽ tiếp tục.
Truyền thông Pháp đồng loạt đưa tin
Hành trình đòi công lý của bà Trần Tố Nga nhận được sự chú ý đặc biệt của truyền thông Pháp từ những ngày đầu.
Báo chí Pháp đưa tin về các phiên tòa của bà xuyên suốt qua các năm, từ 2014 cho đến hôm qua 22-8. Trước khi phiên phúc thẩm diễn ra, nhật báo Le Monde của Pháp đã phỏng vấn bà và đưa tin về sự kiện.
Sau khi có phán quyết, đồng loạt báo chí Pháp đưa tin, từ Hãng tin AFP, Le Monde, Libération, Le Parisien, cho đến các đài BFMTV, FranceInfo… Tuy nhiên, thông tin chỉ dừng ở kết quả phiên tòa và tổng kết hành trình của bà Trần Tố Nga chứ không bình luận.
Tờ Politico của Mỹ cũng đưa tin ngắn gọn về phán quyết của phiên tòa, nhưng dẫn nguồn từ truyền thông Pháp như AFP và Le Monde.
Việt Nam ủng hộ các nạn nhân của chất độc da cam/dioxin
Chiều 22-8, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Tuổi Trẻ đề nghị người phát ngôn bộ này cho biết bình luận của Việt Nam trước phán quyết của Tòa phúc thẩm Paris.
“Việt Nam lấy làm tiếc trước phán quyết của Tòa phúc thẩm Paris về vụ việc”, người phát ngôn Phạm Thu Hằng trả lời. Bà Hằng nhấn mạnh Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm về vụ bà Trần Tố Nga kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất và cung cấp chất độc da cam/dioxin cho Mỹ.
“Mặc dù chiến tranh đã qua nhưng những hậu quả nặng nề vẫn còn tác động sâu sắc đến đất nước và người dân Việt Nam, trong đó có những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam/dioxin.
Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các nạn nhân của chất độc da cam/dioxin yêu cầu các công ty hóa chất sản xuất và cung cấp chất độc da cam/dioxin cho Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam và khiến hàng triệu người tại Việt Nam là nạn nhân có trách nhiệm khắc phục hậu quả đã gây ra”, bà Hằng nhấn mạnh.