Chiều 23-9, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) – giai đoạn 2 – tiếp tục phần xét hỏi.
Hội đồng xét xử thông báo ông Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) đã được thăm khám và sức khỏe hiện ổn định, nên sẽ tham gia những phiên xử tiếp theo.
Sau đó, hội đồng xét xử tiến hành thẩm vấn đối với bà Trương Mỹ Lan (chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về nội dung cáo trạng.
Bà Trương Mỹ Lan nói tôn trọng cáo trạng
Bà Lan nói tôn trọng cáo trạng và các tội danh mà viện kiểm sát truy tố, song đề nghị hội đồng xem xét lại điều kiện, bối cảnh của việc phát hành trái phiếu.
Về Vạn Thịnh Phát, bà Lan cho biết có 2 đơn vị mang tên Vạn Thịnh Phát.
Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) là người đại diện. Đơn vị này chỉ hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, bất động sản.
Đơn vị thứ 2 là Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Ngô Thanh Nhã (em dâu bà Lan) là người đại diện. Đơn vị này chuyên đầu tư các dự án lớn.
Bà Lan khẳng định 2 tập đoàn trên không cử người đại diện trong Ngân hàng SCB để hoạt động phát hành trái phiếu.
Đối với 4 công ty phát hành trái phiếu: Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra, bà Lan cho biết không phải là công ty con thuộc Vạn Thịnh Phát, song bà Lan thừa nhận có đưa người vào điều hành một số công ty này.
Bà Lan cho rằng mình không biết việc 4 công ty này phát hành trái phiếu, mà việc đó là do Ngân hàng SCB.
“Vì sao Ngân hàng SCB phát hành trái phiếu, năm 2017 ông Đinh Văn Thành (cựu chủ tịch hội đồng quản trị SCB, đang trốn truy nã) và Nguyễn Phương Hồng (phó tổng giám đốc SCB – đã chết) đến gặp bị cáo, nói là SCB đang quá khó khăn, bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt, không có tiền trả lãi cho dân, nên đề nghị bị cáo cho mượn công ty có dự án để phát hành trái phiếu.
Bị cáo từ chối vì các công ty của bị cáo có đủ năng lực tài chính, có khả năng phát hành được hàng ngàn tỉ đồng, nhưng sau đó bị cáo cho mượn để giúp SCB vượt qua khó khăn”, bà Lan khai.
Về việc theo dõi dòng tiền, bà Lan cho biết chỉ biết mỗi bà Nguyễn Phương Hồng làm. Bà Lan khai bà không ra chủ trương, không chỉ đạo cách thức chạy dòng tiền, phát hành trái phiếu, mà toàn bộ việc này do phía Ngân hàng SCB.
Bà Trương Mỹ Lan hứa bồi thường cho trái chủ
Mặc dù không ra chủ trương nhưng bị cáo sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm, cố gắng đưa tài sản vào khắc phục hậu quả, tìm cách đền bù cho người dân, nhưng cũng đề nghị hội đồng xét xử làm rõ thực chất ai là người ra chủ trương phát hành trái phiếu.
“Số tiền phát hành trái phiếu bị cáo sử dụng như thế nào?”, hội đồng xét xử hỏi thì bà Lan trả lời: “Bị cáo không sử dụng tiền phát hành trái phiếu này, bị cáo chỉ giúp cho SCB.
Gia đình bị cáo và người nhà bị cáo cũng đã mua trái phiếu có trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng, sau đó Nguyễn Phương Hồng mượn số trái phiếu này để giải quyết khó khăn của SCB”.
Về trách nhiệm đối với các bị hại, bà Lan cho biết đã có đơn từ trại giam gửi hội đồng xét xử, trình bày phương án khắc phục cho các trái chủ.
“Các trái chủ, có nhiều ông bà cụ già nhưng vì tin tưởng SCB cũng như uy tín của Trương Mỹ Lan nên mới mua trái phiếu để giúp SCB, nên bị cáo bằng mọi giá sẽ chịu trách nhiệm với các trái chủ, dù trong hoàn cảnh này, bị cáo cũng sẽ cố gắng hết sức bồi thường”, bà Lan xin hội đồng xét xử tạo điều kiện để khắc phục hậu quả.
Theo đó, bà Lan đề nghị hội đồng xét xử xem xét thu hồi hơn 17.320 tỉ đồng có nguồn gốc từ phát hành trái phiếu mà nhiều ngân hàng đã nhận để khắc phục hậu quả vụ án.
Bên cạnh đó bà Lan còn đề xuất một số phương án đền tiền cho trái chủ như: Đề nghị sử dụng các khoản tiền, tài sản liên quan vụ án giai đoạn 1 mà tòa án đã buộc các cá nhân, tổ chức nộp lại, mà theo bà là khoảng 21.000 tỉ đồng; Sử dụng số tiền hơn 386 tỉ đồng mà gia đình bà đã nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.
Ngoài ra, bà Lan nói mình đang có 1 siêu dự án tại trung tâm TP.HCM có giá trị gấp 3 lần tòa nhà Timesquare, nên đề nghị đưa vào khắc phục hậu quả vụ án.