Sáng 17-8, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một sản phụ ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải được bác sĩ đỡ đẻ ngay ven đường, với lời chúc mừng khi sản phụ đã may mắn gặp “đúng người, đúng thời điểm”.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online tối 17-8, bác sĩ Giàng A Vinh – hiện đang công tác tại Trạm y tế xã Nậm Khắt – không khỏi bất ngờ khi hình ảnh đỡ đẻ trên đường của mình được chia sẻ trên mạng xã hội.
Bác sĩ Vinh khiêm tốn nói: “Đó là công việc của tôi. Trong hoàn cảnh như vậy, chắc chắn bác sĩ nào cũng sẽ làm như vậy”.
Kể lại câu chuyện xảy ra bất ngờ sáng 17-8, bác sĩ Vinh cho biết con đường từ trung tâm Mù Cang Chải đến xã Nặm Khắt khoảng 40km là con đường đi làm của anh.
“Hôm nay thứ bảy là ngày nghỉ của tôi, bình thường tôi sẽ ở nhà, nhưng vì có công việc nên tôi vẫn đi qua con đường này. Có lẽ đó là sự tình cờ nên mới gặp sản phụ chuyển dạ ngay bên đường”, bác sĩ Vinh cười nói.
Khi đi qua được khoảng 20km, bác sĩ Vinh nhìn thấy cặp vợ chồng đang nằm trên đường cạnh chiếc xe máy. Mặc dù người chồng không la lớn nhờ giúp đỡ nhưng bằng kinh nghiệm của bác sĩ vùng cao, anh đã dừng lại xem xét tình hình.
Bác sĩ Vinh nói khi kiểm tra thấy đầu đứa trẻ đã ra khỏi “cửa mình”, với tình trạng như vậy sẽ không thể kịp di chuyển đến trung tâm huyện, mà phải lập tức đỡ đẻ để an toàn cho cả mẹ và bé.
Lúc này anh hướng dẫn sản phụ lấy hơi để rặn đẻ, hô hoán người dân gần đó tìm kéo, đun nước để ngâm nóng, rồi chuẩn bị khăn xô.
“Mọi việc diễn ra rất nhanh, may mắn đứa trẻ ra đời khỏe mạnh, hồng hào, sản phụ ổn định. Tôi dùng kéo cắt dây rốn, lấy khăn xô để lau người cho trẻ. Đứa trẻ là con trai, nặng chừng gần 3kg”, bác sĩ Vinh kể lại.
Sau ca đỡ đẻ kéo dài khoảng 25 phút, bác sĩ Vinh nán lại theo dõi tình hình hai mẹ con, rồi hướng dẫn gia đình đưa xuống bệnh viện để kiểm tra.
Sau khi hỏi han, bác sĩ Vinh mới biết sản phụ sinh con lần hai và cũng trú ở xã Nặm Khắt, nơi anh đang công tác.
Bác sĩ Vinh nói thêm ở vùng cao Mù Cang Chải, việc đẻ rơi cũng không hiếm gặp. Khoảng vài năm trước, anh cũng từng đỡ đẻ cho sản phụ nhưng may mắn hơn là trên xe ô tô. Lần này đỡ đẻ ngay trên đường cũng khiến anh khá lo lắng vì vấn đề an toàn.
“Thế nhưng vì tình huống cấp bách nên tôi cũng không thể nào làm khác được. Ở vùng cao, nhiều người đồng bào còn chưa có nhiều kiến thức về việc chăm sóc thai sản.
Như sản phụ này, dù ở địa phương tôi công tác nhưng cô chưa từng đến siêu âm, tiêm phòng, theo dõi thai kỳ tại trạm y tế xã. Cũng chính vì vậy sản phụ không rõ ngày dự sinh, dẫn đến đẻ ‘rơi’ ngay dọc đường”, bác sĩ Vinh giải thích.