Những lá phổi hồi sinh
Sáng 23-9, ba bệnh nhân đã được ghép phổi thành công có mặt trong buổi gặp gỡ tại Bệnh viện Phổi trung ương (Hà Nội). Đó là những người bệnh đã từng cận kề cửa tử. Nếu không được ghép phổi, thời gian sống của họ chỉ còn vài tháng. Thế nhưng giờ đây họ đều khỏe mạnh, có thể sống và làm việc, học tập như những người bình thường khác.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Đinh Văn Lượng, giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, nói những ca ghép thành công là bước tiến quan trọng của nền y học Việt Nam.
“Sau hơn 4 năm được ghép thành công 2 lá phổi, bệnh nhân Nguyễn Xuân Toại là ca ghép phổi có thời gian sống lâu nhất tại nước ta. Trong năm nay, bệnh viện đã phối hợp triển khai ghép phổi thành công cho 2 bệnh nhân Phạm Anh Thư và Trịnh Thị Hiền”, ông Lượng chia sẻ.
Là ca ghép phổi đầu tiên của Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi trung ương vào năm 2020, ông Nguyễn Xuân Toại (58 tuổi, quê Thanh Hóa) trở thành người được ghép phổi có thời gian sống dài nhất Việt Nam.
Ông Toại cho hay trước đây, ông bị bệnh viêm phổi kẽ. “Cũng vào khoảng tháng 9 của 4 năm trước, bác sĩ nói với tôi có thể tôi chỉ sống được thêm 2-3 tháng. Lúc ấy phổi của tôi đã hỏng đến 80%”, ông Toại nhớ lại.
Lúc ấy ông không nghĩ mình có thể sống được nhưng may mắn đã mỉm cười với ông. Ông được nhận 2 lá phổi từ người cho chết não.
“Sau ca ghép phổi, tôi đã được sống thêm và đến nay được hơn 4 năm. Điều hạnh phúc là tôi đã được chứng kiến khoảnh khắc con trai xây dựng gia đình, thấy được gia đình hạnh phúc, hòa thuận. Tôi rất mong nhiều người được cứu sống như tôi”, ông Toại chia sẻ.
Còn Phạm Anh Thư (21 tuổi, ở Bắc Kạn) – cô gái trẻ được ghép phổi đúng 30 Tết Giáp Thìn – giờ đây đã quay trở lại giảng đường đại học viết tiếp ước mơ, hoài bão của mình. Trước đó, Thư phải tạm gác lại việc học vì mắc bệnh phổi hiếm gặp giai đoạn cuối.
Giờ đây, sau 8 tháng được ghép phổi, Thư vui vẻ cho biết bản thân đã lên được 7kg, sức khỏe ổn định, sinh hoạt bình thường.
Nhớ lại ngày 30 Tết Giáp Thìn (2024), khi đó gia đình cũng nghĩ đây là Tết cuối cùng Thư có mặt trên đời. Khi là người được chọn để ghép phổi, cô rất vui, nhưng cũng tiếc cho hai bệnh nhân khác đã không có may mắn như mình.
“Khi tỉnh dậy sau ca ghép, tôi không thể tin được trong lồng ngực của mình là hai lá phổi của người khác. Tôi đã được quay trở lại trường học, được tiếp tục sống”, Thư chia sẻ.
Phấn đấu trở thành trung tâm ghép tạng vùng
Ông Đinh Văn Lượng chia sẻ, ghép phổi là một kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng. Các ca ghép phổi được thực hiện theo những quy chuẩn quốc tế đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận, các chuyên khoa sâu.
Các ca ghép được tiến hành tại Bệnh viện Phổi trung ương với sự hỗ trợ của các bệnh viện, Trung tâm Điều phối ghép tạng. Đặc biệt, sự hỗ trợ từ xa của các chuyên gia tại Trung tâm Ghép phổi UCSF, Trường đại học California, San Francisco, một trong những Trung tâm Y học uy tín nhất trên thế giới, mở ra cơ hội phát triển kỹ thuật ghép phổi tại Việt Nam.
“Ca ghép phổi thứ 3 ở người bệnh Trịnh Thị Hiền được đánh giá là ca bệnh nhiều khó khăn và mang đến nhiều thử thách cho các bác sĩ, nhân viên y tế.
Bệnh nhân mắc các bệnh nền phức tạp. Cấu trúc giải phẫu khó đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao của các phẫu thuật viên, đồng thời quá trình chăm sóc và hồi sức sau ghép diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự can thiệp kịp thời của tất cả các chuyên khoa.
Các ca ghép phổi thành công sẽ giúp cứu được hàng nghìn người bệnh mà chỉ có ghép phổi mới có thể chữa được”, ông Lượng chia sẻ.
Trong tương lai, Bệnh viện Phổi trung ương mong muốn sẽ xây dựng, phát triển trung tâm ghép phổi vùng, trở thành địa chỉ tiếp nhận, quản lý và triển khai kỹ thuật ghép phổi cho người bệnh Việt Nam và các nước khác trong khu vực.
Ông Đinh Văn Lượng cũng cho hay bệnh viện phấn đấu để Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có tên tuổi trên bản đồ thế giới về ghép phổi.