Nên điều chỉnh quy hoạch giữ lại biệt thự cổ đẹp nhất Đồng Nai làm bảo tàng, phim trường

Biệt thự xây dựng vào đầu thế kỷ XX với kiến trúc phương Tây, có ý nghĩa rất lớn về lịch sử và văn hóa – Ảnh: AN BÌNH

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, sau khi dư luận lên tiếng về biệt thự trăm tuổi có nguy cơ bị xóa sổ để làm đường ven sông, cơ quan chức năng Đồng Nai đã khảo sát thực tế công trình này.

Nhằm góp thêm một góc nhìn về giải pháp để cứu biệt thự cổ này, Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của chuyên gia Lê Hoàng Quốc.

Biệt thự cổ đẹp nhất Đồng Nai

Ngày 25-12-2021, tỉnh Đồng Nai làm lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường ven sông Đồng Nai, tổng chiều dài 5,2km, lộ giới kéo dài từ cầu Hóa An đến điểm giáp ranh giữa phường Bửu Long (Biên Hòa) và xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu).

Con đường ven sông có lộ giới 34m, trong đó phần lòng đường rộng hơn 22m, vỉa hè mỗi bên rộng 5m, dải phân cách giữa rộng 1,5m.

Ngoài dự án đường ven sông Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt dự án xây dựng kè, công viên dọc theo tuyến đường này. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh nhằm tạo không gian cảnh quan đô thị dọc tuyến sông này.

Tuy nhiên trong khi thực hiện dự án, một số công trình có giá trị lịch sử, di chỉ khảo cổ học đã bị phá hủy.

Căn biệt thự của Đốc phủ Võ Hà Thanh (còn gọi là nhà lầu ông Phủ) với tuổi đời tròn 100 năm nằm trước di tích Bến Đá cũng nằm trong diện quy hoạch, chuẩn bị phá bỏ.

Ngôi nhà của Đốc phủ Võ Hà Thanh (thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có thể nói là căn biệt thự cổ đẹp nhất tỉnh Đồng Nai và là kiến trúc đặc sắc cho khu vực miền Nam.

Căn nhà cổ này được xây dựng và hoàn thành vào năm 1924 không chỉ mang dấu ấn lịch sử mà còn mang giá trị nghệ thuật kiến trúc và nhân văn sâu sắc.

Tòa nhà được xây bằng gạch theo lối kiến trúc phương Tây, có cấu trúc tương tự Tòa bố Biên Hòa, mặt tiền hướng ra sông Đồng Nai, mặt hậu dựa lưng vào núi Bửu Long.

Phần mặt tiền của ngôi nhà trang trí nhiều hoa văn chạm nổi, khảm gốm màu, gạch Nhật đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Cầu thang bên trong và gạch lát sàn còn lưu lại vết cháy xém do chiến tranh, tuy nhiên nhiều năm trước, ngôi nhả đã được con cháu tu sửa lại.

Ngoài ra, phần thờ tự và nội thất của ngôi nhà còn giữ lại một số bức tranh cổ.

Chủ nhân căn nhà là ông Võ Hà Thanh, vốn xuất thân từ một gia đình nghèo ở Quảng Ngãi, theo cha bị nhà cầm quyền Pháp bắt đày vào Biên Hòa vì tội tham gia phong trào Cần Vương.

Ông làm đủ nghề từ làm thuê đến khai thác đá và trở thành người Việt Nam đầu tiên chen chân vào lĩnh vực khai thác đá của làng nghề đá truyền thống Bửu Long.

Sau đó, ông mở thêm đồn điền cao su, thu gom nhiều sở cao su và mua ruộng đất… Dần dần tích trữ của cải, ông mua chức Đốc phủ sứ và trở thành nhà cự phú tiếng tăm lừng lẫy của Biên Hòa.

Nên điều chỉnh quy hoạch giữ lại biệt thự cổ đẹp nhất Đồng Nai làm bảo tàng, phim trường - Ảnh 3.

Nhà ông Phủ 100 năm tuổi có nguy cơ bị tháo dỡ để làm đường ven sông Đồng Nai – Ảnh: AN BÌNH

Giữ biệt thự cổ làm bảo tàng, phim trường

Theo một số người dân lớn tuổi kể lại, năm Nhâm Thìn 1952, tại Biên Hòa xảy ra một trận bão lụt lớn, làm thiệt hại nặng nề người và của khi nước sông Đồng Nai và nước Sông Bé dâng cao nhấn chìm đô thị Biên Hòa bấy giờ.

Thương người, con trai cụ Võ Hà Thanh là ông Võ Hà Thuật (1901- 1969) đã mở cửa cưu mang gần 100 đồng bào lánh nạn trên tầng hai của căn biệt thự, chờ nước rút…

Năm 1996, căn nhà được sử dụng làm bối cảnh phim truyền hình Người đẹp Tây Đô do NSƯT Lê Cung Bắc làm đạo diễn.

Gần đây, căn nhà còn được sử dụng cho bối cảnh phim Cô Ba Sài Gòn do Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn đồng đạo diễn, ra mắt khán giả vào năm 2017.

Theo khảo sát sơ bộ, căn nhà với tuổi đời 100 năm mặc dù có dấu hiệu rêu mốc bong tróc, cửa bị mối mọt ăn hư hại và thực vật xâm lấn, tuy nhiên hiện vẫn chưa có dấu hiệu xuống cấp nặng.

Khi khảo sát khu vực đang đào cống phía trước biệt thự, chúng tôi cũng đã phát hiện một số lượng lớn các mảnh gốm cổ, phế phẩm gốm.

Khả năng khu vực này từng có một lò gốm cổ tồn tại từ trước khi xây biệt thự, mang dấu ấn của buổi đầu khai phá và xây dựng của các lớp dân cư sớm. Phát hiện này đã được gửi thông báo đến hội nghị khảo cổ học trong năm nay.

Có thể thấy nếu điều chỉnh quy hoạch: giảm phần công viên bờ sông và dời phần đường tránh sang một bên, căn nhà cổ đúng 100 năm tuổi này sẽ có cơ hội được giữ lại.

Khi đó, căn nhà có thể trở thành bảo tàng nghệ thuật, phim trường hay phòng trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ địa phương như gốm, đá…, góp thêm một địa điểm tham quan du lịch giải trí cho người dân Biên Hòa và cả nước.

Đồng thời đem lại giá trị cảnh quan cho khuôn viên bờ sông cũng như thành phố Biên Hòa trong thời đại mới.

Trở lại Biên Hòa, trên các trục đường chính tại trung tâm, có thể thấy thành phố treo rất nhiều bảng pano tuyên truyền: “Văn hóa còn, dân tộc còn”. Đây cũng là tinh thần, đường lối chung về bảo tồn văn hóa của nhiều nơi khác.

Hy vọng chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể chung tay tìm phương án thích hợp để giữ lại căn biệt cổ cho mai sau, nhằm lưu giữ những giá trị di sản văn hóa cho vùng đất Biên Hòa – Trấn Biên xưa.

Dự án “lấn” vào biệt thự khoảng 9m

Sau khi dư luận lên tiếng, mới đây đại diện Sở Xây dựng; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai cùng các cơ quan chức năng của thành phố Biên Hòa đã khảo sát thực tế vị trí biệt thự bị ảnh hưởng.

Qua khảo sát, cơ quan chức năng ghi nhận khu vực quy hoạch để thực hiện dự án sẽ “lấn” vào nhà lầu ông Phủ khoảng 9m, tương đương khoảng một nửa biệt thự này nằm trong phạm vi quy hoạch thực hiện dự án.

Theo bảng chiết tính giá bồi thường để thực hiện dự án đường ven sông Đồng Nai của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Biên Hòa, cơ quan chức năng định giá bồi thường ngôi biệt thự cổ này số tiền gần 5,4 tỉ đồng.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *