Mỹ: Hội phụ huynh – giáo viên hoạt động mạnh mẽ
Tại Mỹ, Hội phụ huynh – giáo viên (Parent – Teacher Associations, PTA) phát triển từ năm 1897 và đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các thay đổi chính sách giáo dục, hỗ trợ các chương trình như bữa trưa học đường và giáo dục an toàn giao thông.
Theo phân tích từ Quỹ giáo dục phi lợi nhuận Varkey, PTA hoạt động mạnh mẽ ở cả cấp quốc gia và địa phương. Ở cấp trường, PTA có thể được tổ chức trong từng lớp học hoặc cho toàn bộ trường và do những phụ huynh được bầu chọn điều hành.
PTA có cấu trúc tổ chức rõ ràng với lãnh đạo được bầu chọn, thường bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch và các thành viên đại diện lớp học, đảm bảo tất cả phụ huynh đều có tiếng nói trong các quyết định liên quan đến học sinh.
Thành viên PTA có thể tham gia các cuộc họp với ban giám hiệu để trao đổi về các vấn đề giáo dục, sức khỏe và an toàn, nhằm cải thiện chất lượng giáo dục, môi trường học tập. Họ cũng có quyền tham gia vào việc ra quyết định tại trường như điều chỉnh chính sách về sử dụng điện thoại di động hay các vấn đề an ninh trường học.
Các nước châu Âu: phụ huynh tham gia vào hội đồng trường
Tại Đan Mạch, theo OECD, mô hình hội phụ huynh cũng được xem như một quyền dân chủ và có ảnh hưởng lớn đến quản lý giáo dục tại các trường học. Phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong các quyết định của trường và thường tham gia trực tiếp vào hội đồng quản lý.
Mô hình này nhấn mạnh đến sự hợp tác chặt chẽ giữa cha mẹ và nhà trường với mục tiêu không chỉ hỗ trợ học sinh mà còn góp phần xây dựng và quản lý trường học hiệu quả.
Tại Tây Ban Nha, theo OECD, hội phụ huynh có tiếng nói lớn trong quản lý giáo dục. Ở cấp quốc gia, các liên đoàn phụ huynh có thể đưa ra ý kiến về các vấn đề quan trọng liên quan đến luật giáo dục.
Ở cấp địa phương, phụ huynh có thể tham gia các hội đồng nhà trường và đóng vai trò trong các quyết định về nhân sự, bao gồm cả việc bổ nhiệm và sa thải hiệu trưởng. Đây là một trong những quốc gia có mức độ tham gia của phụ huynh cao, giúp tăng cường tính dân chủ trong hệ thống giáo dục.
Tại Pháp, theo OECD, các tổ chức phụ huynh (associations de parents d’élèves) không chỉ hoạt động ở cấp trường mà còn có đại diện ở cấp quốc gia. Các tổ chức này đóng vai trò giám sát và tham gia vào các quyết định chính sách, đồng thời tổ chức các cuộc họp thường niên để thảo luận về chất lượng giảng dạy và những cải tiến cần thiết trong trường.
Mặc dù sự tham gia của phụ huynh ở cấp lớp học không cao, các hiệp hội phụ huynh vẫn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các vấn đề giáo dục ở cấp quốc gia.
Nhật Bản: hội phụ huynh tổ chức nhiều hoạt động
Tại Nhật, theo World Bank, hội phụ huynh thỉnh thoảng đối mặt với những ý kiến khác nhau về vai trò của hội. Mặc dù phụ huynh rất quan tâm đến việc học của con cái nhưng sự tham gia của họ vào các hoạt động của trường bị giới hạn. Nhiều phụ huynh cảm thấy không thoải mái với mô hình nhiều hội phụ huynh do sự gò bó và khác biệt về nhận thức giáo dục.
Thông thường, hội chịu trách nhiệm tổ chức các sự kiện trường học như lễ hội văn hóa, thể thao và ngày hội gia đình, hỗ trợ các hoạt động giáo dục bằng cách cung cấp các tài liệu học tập và tổ chức các lớp học bổ trợ.
Tuy nhiên, phụ huynh Nhật hiếm khi có quyền ra quyết định liên quan đến chính sách trường học. Vai trò của họ chủ yếu là hỗ trợ và gắn kết cộng đồng, thay vì tham gia sâu vào các vấn đề giáo dục chính sách.