Ngày 24-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8-2024.
Cắt giảm thủ tục để giải phóng nguồn lực
Với đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng cần cắt giảm thủ tục hành chính, khơi thông nguồn lực, phát huy vai trò của đầu tư công. Việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đầu tư công; các cơ chế, công cụ đánh giá hiệu quả và giám sát, kiểm tra, đôn đốc trong việc thực hiện đầu tư công…
Đồng tình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần thực sự tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải phóng nguồn lực đầu tư công. Tránh tình trạng “có tiền mà không tiêu được” để dự án kéo dài; cương quyết cắt giảm thủ tục rườm rà không cần thiết, bỏ cơ chế xin cho.
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, nhiều ý kiến đề nghị cần điều chỉnh quy hoạch; việc mở rộng, đa dạng hóa lĩnh vực, hình thức, phương thức thực hiện dự án đối tác công tư; việc xử lý khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao), BT (xây dựng – chuyển giao) chuyển tiếp; phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính…
Theo Thủ tướng, hiện nay việc triển khai các dự án đối tác công tư có nhiều vướng mắc, nên cần tháo gỡ để khơi thông các nguồn lực; mở rộng các lĩnh vực hợp tác công tư; khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Đối với dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ thống nhất đề nghị bổ sung một số nhóm hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; sửa đổi, bổ sung một số quy định về người nộp thuế; thời điểm xác định thuế; giá tính thuế; thuế suất; các căn cứ tính thuế; quy định về hoàn thuế, khấu trừ thuế, giảm thuế…
Về dự án luật này, Thủ tướng cho rằng cần rà soát kỹ các mặt hàng chịu thuế để hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội và mục tiêu hạn chế được mặt tiêu cực từ việc tiêu thụ các mặt hàng chịu thuế, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường.
Chuẩn bị các luật cho kỳ họp thứ 8
Đối với dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng nêu quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Trong đó cần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Thiết kế công cụ thu thuế hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quản lý thuế; bảo đảm xây dựng cơ sở thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế; giảm bớt thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho việc thu thuế và nộp thuế, nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ người nộp thuế…
Kết luận chung, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, nên yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo; bố trí nguồn lực, cán bộ có trình độ, tâm huyết cho công tác này.
Đặc biệt tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến 11 luật, xem xét, thông qua 14 luật. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật theo quy định.
Trong đó lưu ý việc xây dựng luật phải đảm bảo tính khả thi, đi vào cuộc sống, đẩy mạnh phân cấp phân quyền triệt để, phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi. Không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực…
Thời gian không còn nhiều, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành các dự án luật; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết và tình hình tổ chức thi hành pháp luật theo quy định; xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.