Theo trang tin Daily Bangladesh, sau khi hoành hành ở Việt Nam hôm 7-9, siêu bão Yagi (tại Việt Nam gọi là bão số 3) đi qua vùng đất liền Bangladesh và trở thành áp thấp nhiệt đới tại khu vực vịnh Bengal trong ngày 14-9.
“Có thể sẽ có mưa tại hầu hết năm phân khu hành chính lớn gồm thủ đô Dhaka, Khulna, Barishal, Chattogram và Sylhet, ba phân khu hành chính còn lại là Mymensingh, Rajshahi và Rangpur có thể xuất hiện mưa nhỏ”, Cục Khí tượng Bangladesh (BMD) thông báo hôm 13-9.
Nhà khí tượng học Bangladesh Md. Omar Faruq cho biết mưa lớn đến rất lớn ở các khu vực thủ đô Dhaka, Khulna, Barishal và Chattogram trong suốt ngày 14-9.
Ông Omar Faruq cho biết thêm do mưa lớn nên “có nguy cơ xảy ra lở đất” ở một số nơi thuộc vùng núi thành phố Chattogram, phía đông nam Bangladesh.
Trong khi đó, theo báo Hindustan Times (Ấn Độ), các chuyên gia thời tiết Ấn Độ dự đoán những tàn dư của bão Yagi có thể hợp nhất với một cơn áp thấp nhiệt đới ở gần bang Odisha, miền trung Ấn Độ.
“Tàn dư của cơn bão Yagi có thể hợp nhất với đợt áp thấp nhiệt đới ở bang Odisha, gần khu vực miền trung Ấn Độ và tạo thành một vùng áp thấp. Tuy nhiên, sức tàn phá của nó sẽ không quá đáng kể”, ông Mahesh Palawat, phó chủ tịch khí hậu và khí tượng tại Công ty dịch vụ dự báo thời tiết Skymet Weather, cho biết.
Một chuyên gia của Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) lưu ý những tàn dư của các cơn bão ở khu vực Biển Đông thường có xu hướng mạnh lên ở vịnh Bengal, đôi khi hợp nhất với các cơn áp thấp nhiệt đới khác tại khu vực Nam Á.
Tuy nhiên, cũng theo Hindustan Times, các chuyên gia thời tiết Ấn Độ vẫn còn khá nhiều tranh cãi về đường đi của tàn dư bão Yagi tại vùng Nam Á.