Vụ tai nạn thương tâm
Theo lời nhân chứng, cậu bé đã không theo kịp đoàn xe nên bị rớt xa phía sau. Vì không có người lớn bao bọc, dẫn đến lúc bị ngã không có ai bên cạnh, cuối cùng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng – Ảnh: NetEase
Theo báo chí Trung Quốc (Sina, NetEase, Chinese Headline News…), một người cha ở Hà Bắc đã dẫn cậu con trai 11 tuổi tham gia một nhóm đi xe đạp. Trên đường đi, cậu bé không may bị ngã ra làn đường ngược chiều. Đúng lúc đó, một chiếc ô tô chạy tới với tốc độ 50km/h và không kịp né tránh, cán qua cậu bé.
Giữa con đường xảy ra tai nạn có một vạch trắng nét liền để phân cách làn đường ngược chiều.
Vụ tai nạn giao thông này đang thu hút sự chú ý và gây tranh cãi bởi có nhiều vấn đề xoay quanh tình huống này.
Con đường xảy ra tai nạn không phải đường thông thường mà là đường chưa được đưa vào sử dụng. Nếu con đường này đã được đưa vào sử dụng thì sẽ áp dụng luật giao thông đường bộ và người lái xe cũng như các bên liên quan sẽ bị xử phạt theo luật này.
Nhưng đây là một con đường chưa được đưa vào sử dụng, không thuộc thẩm quyền quản lý của cảnh sát giao thông. Do đó, vụ việc được chuyển sang cảnh sát hình sự thụ lý. Đồng nghĩa với việc, tài xế sẽ phải đối mặt với trách nhiệm hình sự nếu bị kết án.
Người cha bị chỉ trích dữ dội
Người nhà của bé trai cho biết sau khi xảy ra bi kịch, người cha rất đau lòng, suy sụp tinh thần và sức khỏe cũng không tốt.
Tuy nhiên, cư dân mạng không thông cảm, bởi người cha cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của mình trong vụ tai nạn này.
Theo luật pháp Trung Quốc, trẻ em dưới 12 tuổi không được đi xe đạp trên đường, trong khi cậu bé mới 11 tuổi.
Trong quá trình đạp xe, tức là trước khi cậu bé bị ngã và bị tông, một người bạn cùng đoàn đã quay lại được cảnh cậu bé hét lên với bố mình là “chậm thôi”, nhưng người cha vẫn không giảm tốc độ. Lúc đó tốc độ của xe đạp đã lên tới 37km/h, nhanh hơn cả tốc độ 25km/h thường thấy với xe đạp điện.
Trước đó, người cha rất thích đăng tải những khoảnh khắc đời thường đạp xe của hai bố con lên mạng. Khi ấy, đã có cư dân mạng nhiệt tình nhắc nhở đứa trẻ còn quá nhỏ, đạp xe theo đoàn như vậy không thích hợp.
Đối mặt với lời nhắc nhở, người cha không những không cảm kích mà còn thô lỗ đáp trả: “Liên quan gì đến anh, chuyện này không đến lượt anh quản”.
Sau khi xảy ra bi kịch, cư dân mạng đã lên tiếng chỉ trích. Sau đó, người cha đã cài đặt tài khoản ở chế độ riêng tư.
Con đường chưa hoàn thiện là lối đi quen thuộc của người dân
Về phía người lái xe, người nhà của anh này cho biết vụ việc xảy ra ngày 11-8 ở gần làng Nam Hậu Đài, thị trấn Gia Quang, huyện Dung Thành, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Người lái xe là dân làng gần đó. Hoàn cảnh gia đình tài xế cũng rất khó khăn. Vụ tai nạn giao thông này gần như khiến gia đình anh ta tan vỡ.
Lúc cậu bé ngã, anh ta hoàn toàn không kịp né tránh. Anh này không uống rượu, cũng không lái xe trong tình trạng mệt mỏi.
Về việc đoạn đường xảy ra tai nạn chưa được thông xe, người nhà của người lái xe khẳng định họ hoàn toàn không biết. Bởi đoạn đường này không có biển báo liên quan, thường xuyên có nhiều phương tiện lưu thông, cũng có rất nhiều người đạp xe và đi bộ. Đây là con đường người lái xe đi làm hằng ngày.
Tuy nhiên, theo lời kể của người dân địa phương, đoạn đường xảy ra tai nạn có biển báo do đơn vị thi công đặt với nội dung: “Tất cả người và phương tiện cấm đi vào”, “Người và phương tiện không liên quan đến thi công cấm đi qua”. Nhiều nơi trên đường cũng có rào chắn.
Tuy nhiên, con đường này vẫn có lối đủ cho ô tô nhỏ ra vào. Do đó, người dân trong vùng, bao gồm cả tài xế và đoàn xe trong vụ tai nạn, vẫn thường đi qua con đường này, do sẽ rút ngắn được khoảng cách rất nhiều.
Hiện tại, vụ tai nạn giao thông vẫn đang trong quá trình điều tra.
Theo báo chí Trung Quốc, từ góc độ pháp lý, đoạn đường xảy ra tai nạn chưa được đưa vào sử dụng, lại có biển báo cấm đi vào và rào chắn, người lái xe tự ý đi vào đường chưa được khai thông và gây ra tai nạn, thường được xác định chịu trách nhiệm chính hoặc toàn bộ, có thể bị nghi ngờ phạm tội “Vô ý gây chết người”.
Ngoài ra, cha của cậu bé, cơ quan quản lý đường sá, thậm chí chính cậu bé và người tổ chức hoạt động đạp xe đều phải chịu một phần trách nhiệm.
Cha của cậu bé đã để con trai 11 tuổi đạp xe với tốc độ quá nhanh trên đường chưa được đưa vào sử dụng.
Cơ quan quản lý đường sá không đưa ra các biện pháp an toàn cần thiết để phong tỏa con đường, có sơ suất trong quản lý an toàn.
Cậu bé đạp xe không tuân thủ quy định, đi vào đoạn đường không an toàn. Nhưng do cậu bé chưa đủ tuổi thành niên nên trách nhiệm thường nhẹ hơn và thường nằm ở người giám hộ.
Người tổ chức hoạt động đi xe đạp không đảm bảo hoạt động diễn ra trong môi trường an toàn, cũng không thông báo cho những người tham gia về nguy hiểm tiềm ẩn, lại để trẻ em dưới 12 tuổi tham gia hoạt động đạp xe.