Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi.
Phát triển điện hạt nhân để bổ sung điện nền
Theo các đánh giá và dự báo của các tổ chức nghiên cứu kinh tế thế giới, trong trường hợp FED giảm lãi suất, nền kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng trên 7% trong giai đoạn tới.
Do đó, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương rà soát tổng thể các nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII theo hướng chuyển điện nền từ điện than sang điện khí, ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng điện đạt từ 12-15%/năm, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Đáng chú ý, Thường trực Chính phủ đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới.
Từ đó có thể bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường. Sau đó đơn vị sẽ có báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Vấn đề phát triển điện hạt nhân không được đề cập trong quy hoạch điện VIII, tuy nhiên trong văn bản gửi các bộ, ngành đề nghị tham gia ý kiến cho dự thảo báo cáo Thủ tướng về đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã đề xuất phát triển các nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ.
Vì sao làm nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ?
Theo Bộ Công Thương, hiện có 32 quốc gia trên thế giới dùng nguồn năng lượng hạt nhân để phát điện, tạo ra khoảng 9,1% lượng điện năng của thế giới vào năm 2023.
Theo quy hoạch điện VIII, Việt Nam chưa dự kiến phát triển các nguồn điện hạt nhân, tuy nhiên với lợi ích và điều kiện thuận lợi của năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô-đun nhỏ, cộng với việc nhiều nước trên thế giới đang triển khai phát triển năng lượng hạt nhân trong nguồn điện quốc gia, Bộ Công Thương cho rằng việc Việt Nam nghiên cứu giải pháp phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô-đun nhỏ, bao gồm nhà máy điện hạt nhân nổi trong tương lai là có thể xem xét.
Theo bộ này, lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) là lò phản ứng hạt nhân tiên tiến có công suất lên tới 300 MW mỗi tổ máy, bằng khoảng 1/3 công suất phát của các lò phản ứng điện hạt nhân truyền thống.
SMR có thể sản xuất một lượng lớn điện có hàm lượng carbon thấp, có thể được kết hợp và tăng hiệu quả của các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống và đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, đồng thời giúp các quốc gia giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững.
Dự kiến, các lò SMR có thời gian xây dựng khá ngắn (khoảng 24-36 tháng), đồng thời chúng có thể được triển khai từng bước để phù hợp với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
Nguồn năng lượng hạt nhân được phát triển chủ yếu tại các quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Á. Hoa Kỳ là nước sản xuất năng lượng hạt nhân lớn nhất, trong khi Pháp có thị phần điện năng được tạo ra từ năng lượng hạt nhân lớn nhất.