Trong Chiến lược Bắc Cực 2024 được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 22-7, Lầu Năm Góc cho biết Nga và Trung Quốc đang hợp tác chặt chẽ hơn ở Bắc Cực, đồng thời lưu ý rằng Nga đã mở lại hàng trăm địa điểm quân sự thời Liên Xô ở Bắc Cực.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng có tham vọng tại khu vực này khi để mắt đến các nguồn tài nguyên khoáng sản và các tuyến đường vận chuyển mới.
“Trung Quốc và Nga đang tăng cường hợp tác ở Bắc Cực thông qua nhiều công cụ quyền lực quốc gia”, Lầu Năm Góc nhận định.
Phản hồi về những lo ngại từ phía Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 24-7 tuyên bố: “Văn bản này (Chiến lược Bắc Cực 2024) rõ ràng nhằm mục đích leo thang căng thẳng chính trị và quân sự trong khu vực”.
Theo bà Zakharova, chiến lược của Lầu Năm Góc – được thông qua ngay sau Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại thủ đô Washington – cho thấy cách tiếp cận của Mỹ với Bắc Cực chủ yếu dựa trên các kịch bản nhằm đảm bảo lợi ích của nước này.
Hãng tin Reuters dẫn lời bà Zakharova nhấn mạnh hợp tác Nga – Trung không bao giờ nhằm mục đích chống lại các nước hoặc các nhóm nước thứ ba nào.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc “Chiến lược Bắc Cực 2024” là một phần trong chính sách của Mỹ nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.
Đây là tuyên bố chính thức và mới nhất từ phía Bộ Ngoại giao Nga.
Trước đó, đáp trả những nghi ngờ và lo ngại từ Mỹ, Điện Kremlin hôm 23-7 cũng lên tiếng khẳng định việc Nga và Trung Quốc hợp tác ở Bắc Cực không nhằm mục đích chống lại bất kỳ quốc gia nào.
“Bắc Cực cũng là khu vực chiến lược đối với đất nước chúng tôi. Nga có lập trường và trách nhiệm riêng, góp phần đảm bảo Bắc Cực không trở thành vùng đất của sự bất hòa và căng thẳng”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời truyền thông khi được hỏi về bản báo cáo hôm 22-7 của Lầu Năm Góc.