Bộ Nông nghiệp khẳng định không giữ, quản lý 2.000 tỉ đồng quỹ phòng chống thiên tai

Ông Phạm Đức Luận – cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai – Ảnh: C.TUỆ

Mới đây trên mạng xã hội Facebook, nhiều ý kiến quan tâm đến thông tin cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 2.000 tỉ đồng quỹ phòng chống thiên tai và việc công khai sử dụng, chi quỹ này như thế nào là một ẩn số. 

Chiều 20-9, ông Phạm Đức Luận – cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – đã trả lời Tuổi Trẻ Online về những nội dung liên quan quỹ phòng chống thiên tai mà dư luận đang quan tâm.

Ông Luận cho biết quỹ phòng chống thiên tai là quỹ ngoài ngân sách nhà nước, tiền thân của quỹ phòng chống thiên tai là quỹ phòng chống lụt bão được thành lập từ năm 1997 theo nghị định 50-1997 của Chính phủ.

Vì sao quỹ còn tồn dư đến hơn 2.100 tỉ đồng?

* Ông có thể cho biết quỹ phòng chống thiên tai được hình thành từ nguồn đóng góp nào và được sử dụng vào mục đích gì?

– Ông Phạm Đức Luận:  Nguồn thu chủ yếu của quỹ phòng chống thiên tai là thu của người dân và doanh nghiệp ở trên địa bàn các tỉnh để thực hiện hỗ trợ công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại chính địa phương đó.

Tổng số tiền quỹ mà các địa phương thu được đến nay khoảng 5.760 tỉ đồng, các tỉnh, thành phố đã chi hơn 3.600 tỉ đồng, tồn quỹ khoảng 2.160 tỉ đồng. Quỹ còn tồn này có thể chuyển sang năm và những năm tiếp theo nếu như các địa phương không chi hết.

Số tiền 2.160 tỉ đồng quỹ còn tồn (tính đến tháng 7-2024) thì các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện quỹ này hết sức hiệu quả cho công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Ví dụ như Hải Phòng trước bão số 3 trong quỹ tồn 70 tỉ đồng, trong và sau bão thì Hải Phòng quyết định chi hơn 50 tỉ đồng cho công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão. Hay như Lào Cai còn tồn trên 5 tỉ đồng thì tỉnh đã quyết định hòa cùng với nguồn của Mặt trận Tổ quốc để cứu trợ ngay người dân ở vùng bị thiên tai, các tỉnh khác cũng vậy.

* Vì sao lại còn tồn dư quỹ nhiều như vậy?

– Nguồn quỹ 2.160 tỉ đồng này phần lớn tồn ở các tỉnh, thành tập trung đông dân cư, doanh nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, TP Hà Nội… thu quỹ nhiều nhưng lại ít chịu ảnh hưởng thiên tai.

Còn các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa mà thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai thì thu được rất ít hoặc còn tồn quỹ rất ít.

Bộ Nông nghiệp khẳng định không giữ, quản lý 2.000 tỉ đồng quỹ phòng chống thiên tai - Ảnh 2.

Hàng trăm lồng bè nuôi trồng hải sản của ngư dân Cát Bà, Hải Phòng bị bão đánh tan tác trôi dạt vào bờ – Ảnh: NAM TRẦN

Quỹ phòng chống thiên tai trung ương chưa hoạt động

* Tại sao không điều chuyển 2.160 tỉ đồng này cho các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua, thưa ông?

– Nghị định 78-2021 có quy định thành lập quỹ phòng chống thiên tai trung ương với mục đích xem xét điều chuyển một quỹ còn tồn nhiều ở các tỉnh, thành phố về quỹ trung ương và căn cứ trên tình hình thiên tai thực tế thì Thủ tướng xem xét quyết định điều chuyển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Chính phủ được giao) đã thành lập Quỹ phòng chống thiên tai trung ương, tuy nhiên do vướng mắc về mô hình hoạt động quỹ trung ương nên đến nay vẫn chưa hoạt động được.

Do vướng mắc về mô hình hoạt động (công ty TNHH một thành viên) nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo và được Chính phủ cho phép sửa đổi nghị định 78-2021. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo và trình Chính phủ vào quý 4 năm nay.

Còn hiện nay, theo quy định của nghị định 78-2021 thì việc chuyển quỹ phòng chống thiên tai từ tỉnh này sang tỉnh khác thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh vì các tỉnh thu để phục vụ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng không có thẩm quyền điều chuyển quỹ này.

* Có phản ánh rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quản lý 2.000 tỉ đồng quỹ phòng chống thiên tai thì có đúng không?

– Điều này là không đúng. Như tôi đã nói từ khi thành lập đến nay, do vướng mắc về mô hình hoạt động nên đến nay quỹ trung ương vẫn chưa hoạt động được, do vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không quản lý một đồng quỹ phòng chống thiên tai nào.

Số quỹ tồn 2.160 tỉ đồng như tôi nói ở trên là do UBND 63 tỉnh, thành phố quản lý. Việc công khai thu chi quỹ này sẽ do chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm.

Tới đây, chúng tôi cũng sẽ có đề nghị các địa phương còn tồn dư quỹ phòng chống thiên tai nhiều xem xét nếu có thể hỗ trợ thì chuyển cho các địa phương khó khăn để khắc phục hậu quả thiên tai.

* Thưa ông, vì sao phải duy trì thay vì bỏ thu quỹ phòng chống thiên tai như một số đề xuất?

– Quỹ này hết sức hiệu quả trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong bối cảnh ngân sách chưa đảm bảo.

Theo tôi, hiện nay người dân và doanh nghiệp đóng góp quỹ phòng chống thiên tai rất nhỏ và quỹ này lại được sử dụng trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp ở địa phương đó. Ví dụ như tỉnh Bắc Ninh thu quỹ của Công ty Samsung và các cá nhân trên địa bàn huyện Yên Phong để sử dụng cho công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ trực tiếp cho chính người dân và doanh nghiệp.

Trước đây khi xây dựng nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến các tỉnh, thành phố thì các địa phương thấy hoàn toàn cần thiết để duy trì quỹ này.

Ngày 20-9, một tài khoản Facebook đăng tải bài viết 2.000 tỉ quỹ phòng chống thiên tai đang ở đâu?

Bài viết có nêu: “Được biết, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 tỉ nằm trong quỹ phòng chống thiên tai do ngành nông nghiệp quản lý. Nhưng cụ thể nó được chi cho bão lũ thế nào là một ẩn số…

Quỹ này thu nhiều năm, nhưng chi thì rất ít. Năm nào cũng thấy kết dư đến cả ngàn tỉ đồng và tăng đều đều. Gần nhất, báo cáo tháng 5-2023 cho thấy quỹ này đang kết dư 1.962 tỉ đồng”.

Bài viết này cho rằng tình hình công khai quỹ vô cùng yếu kém. “Mình từng vào website của các địa phương, thì chỉ có 3 tỉnh công bố sơ sơ tình hình chi quỹ, 60 tỉnh còn lại không có công bố gì, dù pháp luật bắt buộc phải công khai chi quỹ” – bài viết nêu.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *