Ngày 17-9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã làm việc với Bộ Công Thương về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao 8 tháng năm 2024, những khó khăn vướng mắc và giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho hay trong 8 tháng, ngành Công Thương đang đi đúng hướng để đạt mục tiêu, bao gồm chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng trưởng từ 7 – 8%; xuất khẩu tăng trưởng 6%; tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng trưởng 9%.
Riêng các chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu và IIP có thể vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 vừa qua sẽ đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực cao hơn nữa để đạt kết quả cả năm 2024.
Theo đó, bà Thắng kiến nghị Chính phủ quan tâm xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật. Bao gồm Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, triển khai hiệu quả quy hoạch lĩnh vực năng lượng, khoáng sản; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, từ đầu nhiệm kỳ, ngành đối diện với các thách thức như dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi nguồn cung; khủng hoảng kinh tế và các cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước…
Cùng đó, nhân sự trong ngành Công Thương có nhiều biến động, thiếu nhân sự, thiếu lãnh đạo Bộ. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, chưa một ngày nào thiếu vắng các hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra và thực hiện các quy trình về nhân sự.
Ông Diên nhìn nhận, phía trước sẽ còn có rất nhiều khó khăn, phức tạp vì tình hình thế giới khó đoán định. Hội nhập của chúng ta ngày càng sâu, nên việc nội lực hóa luật pháp quốc tế cũng là một thách thức, hàng loạt những cam kết mà Việt Nam phải thực hiện…
Hoàn thiện thể chế, ưu tiên chính sách năng lượng
Đánh giá các kết quả tích cực đã đạt được, trong đó có sự đóng góp của ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nêu ba vấn đề mà Bộ Công Thương cần tập trung. Đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm tháo gỡ vướng mắc khó khăn, kiến tạo trong phát triển. Điển hình là xây dựng và hoàn thiện Luật điện lực, Luật hóa chất…
Thúc đẩy phục hồi quá trình phát triển đất nước, với vai trò chủ lực của ngành Công Thương. Trong đó, ông lưu ý cần xây dựng quy chế, quy định, nghị định để thúc đẩy, khuyến khích phát triển ngành điện, trước mắt là trong dự án năng lượng tái tạo (trong đó có điện ngoài khơi);
Ttiếp tục tập trung triển khai Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch điện VIII; triển khai tháo gỡ dự án đang tồn đọng, trong đó có dự án điện, khí… để giải phóng nguồn lực, hợp tác, khai thác dầu khí và tăng cường hợp tác quốc tế.
Về xuất nhập khẩu, bộ cần tận dụng, khai thác tốt các FTA đã ký, đồng thời tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA mới trong đó đàm phán FTA với khu vực vùng Vịnh.
Trong lĩnh vực thương mại, Phó Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công Thương bảo đảm hàng hóa thông suốt thị trường, tăng thương mại trong nước, mở rộng mạng lưới hàng hóa Việt Nam ra các thị trường nước ngoài, thúc đẩy thương mại điện tử.