Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh thu ngân sách 6 tháng đạt hơn 1,038 triệu tỉ đồng, đạt 62% dự toán.
Bên cạnh đó, ngành tài chính thực hiện các chính sách giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế với tổng số tiền là 184.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ông Phớc nhấn mạnh chính sách tài khóa mở rộng hay nói cách khác chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh năm nay sẽ kết thúc để chuyển sang chu kỳ mới.
Bốn năm qua, Việt Nam đã áp dụng chính sách tài khóa mở rộng là giảm thuế cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh gần 200.000 tỉ đồng/năm.
Trong khi đó, chúng ta cần tăng cường năng lực cho tài chính công để đầu tư cho cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng biển, an sinh xã hội, cải cách tiền lương… Nên chính sách tài khóa thắt chặt sẽ được áp dụng.
Theo ông Phớc, bắt đầu từ năm 2025 thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, không giảm thuế mà tập trung vào tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Đây mới là mục tiêu tăng trưởng bền vững.
“Còn hiện nay, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp rất khó khăn. Doanh nghiệp to không có tiền, doanh nghiệp nhỏ thì không có việc” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định.
Để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Phớc cho rằng giải pháp quan trọng là thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tỉ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm mới đạt 28,8%.
Trong khi đó, các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án… vô cùng ách tắc. Nên nếu không tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thì sẽ rất khó thúc đẩy kinh tế phát triển.
Nếu đầu tư công ách tắc thì các ngành phụ trợ cũng gặp khó khăn. Hiện vốn đầu tư công nằm ở kho bạc lên đến trên 1 triệu tỉ đồng. Trong khi đó, chúng ta đi vay vốn ODA có lãi suất là 6%, các doanh nghiệp cũng đi vay 10-12%/k năm. Vì vậy đây là sự lãng phí.
Bên cạnh thúc đẩy đầu tư công, ông Phớc yêu cầu có giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển hiệu quả. Theo số liệu chưa đầy đủ, số nợ tiền sử dụng đất trên toàn quốc liên quan đến đất đai là 89.000 tỉ đồng.