Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trường học hạnh phúc không có chỗ cho bạo lực

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay chất vấn giả định nhưng vấn đề không giả định mà là những vấn đề có thật trong học đường, đặc biệt là vấn đề phòng chống bạo lực học đường.

Đây cũng là một trong hai chủ đề được 306 đại biểu là đội viên Đội thiếu niên tiền phong xuất sắc trong cả nước đặt ra tại phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần 2-2014.

“Không có bạo lực gia đình sẽ góp phần giảm bạo lực học đường”

Hai chủ đề được đưa ra thảo luận, chất vấn là phòng chống bạo lực học đường và phòng chống thuốc lá, thuốc lá điện tử, các chất kích thích trong học đường.

306 đại biểu đại diện cho học sinh cả nước dự phiên chất vấn giả định “Quốc hội trẻ em” – Ảnh: HÀ QUÂN

Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn xúc động khi chứng kiến các em hỏi và trả lời với tư cách là một người trong cuộc. “Chúng ta phải cùng nhau thống nhất và khẳng định rằng: Trường học hạnh phúc không thể có chỗ cho bạo lực, không thể có chỗ cho những tệ nạn và những nguy cơ đối với học sinh” – ông Sơn nói.

Theo bộ trưởng, phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” đã chạm đến rất nhiều vấn đề cốt lõi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hiện nay vẫn còn bạo lực học đường. Tuy nhiên nếu không được đề cập đầy đủ thì nhiều người sẽ tưởng tượng các trường học ở Việt Nam lúc này bạo lực đang tràn ngập và dữ dội.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trường học hạnh phúc không có chỗ cho bạo lực - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định trường học hạnh phúc không có chỗ cho bạo lực học đường

Nhiều nguyên nhân như các em đề cập có cả nguyên nhân về tâm sinh lý, lứa tuổi, việc thực hiện quy chế học đường chưa thực sự nghiêm túc. Bên cạnh đó là trách nhiệm của người lớn, bao gồm cả phụ huynh, người đứng đầu trường học, thầy cô chủ nhiệm có nơi, có lúc chưa làm hết trách nhiệm.

“Nếu các gia đình không có bạo lực gia đình thì cũng góp phần giảm đi rất nhiều bạo lực học đường. Thực tế cho thấy tỉ lệ rất lớn các em có hành vi bạo hành với bạn, phần lớn trong đó có đời sống gia đình không hạnh phúc. Việc chứng kiến bạo lực trong gia đình giữa bố mẹ, sự không hạnh phúc của cha mẹ là nguyên nhân rất lớn khiến các em tổn hại tâm sinh lý” – ông cho hay.

Báo động nạn bắt nạt trực tuyến, khủng bố tâm lý trên mạng

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay hiện nay đã xuất hiện nhiều hình thức bạo lực học đường có tính chất phi truyền thống trên không gian mạng. Điển hình là bắt nạt trực tuyến, khủng bố tâm lý.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trường học hạnh phúc không có chỗ cho bạo lực - Ảnh 3.

Các đại biểu “nhí” đề cập đến nhiều vấn đề cốt lõi của giáo dục hiện nay

“Gần đây nhất rất báo động về tình trạng các nhóm, các bạn nữ học sinh đánh bạn tập thể, quay video clip đưa lên mạng. Đấy là những điều mà chúng ta cần hết sức lên án” – Bộ trưởng nói.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục, ngành đã làm nhiều việc, các quy định rất đầy đủ, các cuộc tập huấn và hỗ trợ giáo viên cũng được tăng cường. Đặc biệt trong Thông tư số 20/2023, đã xác định một vị trí việc làm rất quan trọng trong nhà trường và đang được triển khai tới các đơn vị. Đó là việc tư vấn tâm lý, sẽ có một giáo viên chuyên trách việc này.

Tuy nhiên chủ thể quan trọng nhất và cũng là đối tượng quan trọng nhất lại chính là học sinh. Theo bộ trưởng, nếu các em học tập tốt, sống có hoài bão, lý tưởng, biết yêu thương, biết quan tâm, biết chia sẻ, những người như vậy ắt hẳn sẽ không thực hành bạo lực với người khác.

Nếu các em có đủ kỹ năng để có thể tự giải quyết được việc của mình, có thể giúp giải quyết được việc của các bạn, không tham gia vào bạo lực thì bạo lực không có chỗ trong học đường.

“Nếu các em có kỹ năng, biết chọn lọc thông tin từ mạng xã hội, bày tỏ chính kiến của mình thì không có chỗ cho việc ảnh hưởng cái xấu độc của mạng xã hội đến với mình. Trong đó, sự tu dưỡng của bản thân, sự chia sẻ tình yêu thương, các kỹ năng, thái độ là những điều rất quan trọng mà các em cần làm”.

Quốc hội sẽ xem xét, ghi nhận ý kiến tại “Quốc hội trẻ em”

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trường học hạnh phúc không có chỗ cho bạo lực - Ảnh 4.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm hỏi các đại biểu “nhí”

Phát biểu tại phiên họp giả định, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt với trẻ em. Sau 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu khá toàn diện về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ quyền trẻ em.

Điều này được Liên Hiệp Quốc ghi nhận, đánh giá cao. Cùng với các nguồn lực từ Nhà nước, trong hai năm 2023 và 2024, Trung ương Đoàn và Hội đồng Đội Trung ương đã vận động trên 123 tỉ đồng cho các hoạt động chăm lo thanh thiếu niên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta còn nhiều trăn trở khi trẻ em ở một số nơi vẫn còn gặp khó khăn trong tiếp cận những dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng; trẻ em bị bạo lực, bạo hành, xâm hại, tai nạn, thương tích còn xảy ra.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trường học hạnh phúc không có chỗ cho bạo lực - Ảnh 5.

Những ý kiến tại “Quốc hội trẻ em” sẽ được các đại biểu Quốc hội xem xét, tiếp thu

Tình trạng bạo lực học đường, các loại thuốc lá thế hệ mới và các chất kích thích đã và đang tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em. Ông Mẫn đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành, đoàn thể sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình soạn thảo, ban hành chính sách pháp luật, giải quyết các vấn đề liên quan tới trẻ em.

Trong đó có việc rà soát để hoàn thiện chính sách pháp luật phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường và phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. “Đặc biệt là giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các cháu đã nêu tại diễn đàn hôm nay”, ông Mẫn nói.

306 Đội viên xuất sắc tham dự “Quốc hội trẻ em”

Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức nhằm tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em.

Phiên họp diễn ra từ ngày 27 đến ngày 29-9 với nhiều nội dung. Trong đó, phần thảo luận và chất vấn tập trung vào hai vấn đề phòng, chống bạo lực học đường và phòng, chống sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử và chất kích thích trong học đường.

Phiên họp có 306 đại biểu là các đội viên Đội Thiếu niên tiền phong xuất sắc, đại diện cho học sinh cả nước. Trong số này có có 11 em từng đạt giải thưởng quốc tế, 28 em đạt giải thưởng cấp quốc gia, 77 em đạt giải thưởng cấp tỉnh, 126 em đạt giải thưởng cấp huyện. Nhiều em đạt thành tích trong hoạt động đội và phong trào thiếu nhi, thể thao, văn nghệ, thi tiếng Anh, tin học, tìm hiểu lịch sử, địa lý, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, sáng tạo khoa học.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *