Bộ Tư pháp nói về việc bỏ đề xuất giảm phạt tiền vi phạm nồng độ cồn tối thiểu

Bà Nguyễn Thị Minh Phương, phó cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật – Ảnh: DANH TRỌNG

Sáng 7-10, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thường kỳ quý 3 năm 2024.

Tại họp báo, bà Nguyễn Thị Minh Phương – phó cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp – thông tin về việc thẩm định dự thảo nghị định xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

Dự thảo nghị định này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Bà Phương cho biết ngày 4-10, Bộ Tư pháp và Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật là đơn vị tham mưu cho lãnh đạo bộ đã thực hiện thẩm định dự thảo nghị định trên.

Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển xe tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn.

Bên cạnh đó, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng có quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện có hành vi nêu trên.

“Quan điểm của chúng tôi là việc quy định hình thức xử phạt và mức phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi đó”, đại diện đơn vị tham gia thẩm định của Bộ Tư pháp nhìn nhận.

Cũng theo bà Phương, một trong những yêu cầu khi quy định về hình thức và mức xử phạt vi phạm hành chính là phải bảo đảm tính giáo dục, răn đe cũng như tính hợp lý khả thi khi triển khai thực hiện.

Bộ Tư pháp nói về việc bỏ đề xuất giảm phạt tiền vi phạm nồng độ cồn tổi thiểu - Ảnh 2.

Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn người điều khiển xe gắn máy tại quận Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh minh họa: T.T.D.

Tại dự thảo nghị định lần 3 vừa được công bố, Bộ Công an rút đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với nghị định số 100/2019 (đã được sửa đổi, bổ sung tại nghị định 123/2021) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Cụ thể, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng đối với người lái ô tô và các loại xe tương tự ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Đồng thời bị trừ 3 điểm trong giấy phép lái xe.

Mức này tương tự với quy định tại nghị định 100 (sửa đổi, bổ sung tại nghị định 123) hiện hành.

Trước đó, tại dự thảo hồi tháng 8-2024, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 800.000 – 1 triệu đồng với hành vi này.

Với mức vi phạm khi lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu, hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở trong dự thảo mới cũng giữ nguyên mức phạt như hiện hành 16 – 18 triệu đồng. 

Tài xế cũng bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe.

Và mức phạt 30 – 40 triệu đồng khi lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Tài xế cũng bị trừ 12 điểm giấy phép lái xe.

Thu hồi hơn 22.000 tỉ đồng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế

Tại họp báo, Bộ Tư pháp cho biết công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực. Kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, bước đầu thống kê từ kết quả thi hành án của các địa phương cho thấy đã thi hành xong hơn 620.000 việc (tăng 7,97%, so với cùng kỳ năm 2023).

Về tiền, thi hành xong hơn 117.000 tỉ đồng (tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm 2023).

Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là hơn 9.000 việc với hơn 22.000 tỉ đồng.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *