Buộc tài xế khám sức khỏe sau điều trị bệnh có khả thi?

Bộ Y tế đề xuất người lái xe phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn – Ảnh minh họa: DƯƠNG LIỄU

Điều này có trong dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng, khám sức khỏe định kỳ đối với lái xe ô tô.

Khám lại sức khỏe sau điều trị bệnh, tai nạn

Tại dự thảo thông tư, Bộ Y tế đã đề xuất một số quy định mới. Trong đó đáng chú ý là đề xuất nâng thời hạn sử dụng của giấy khám sức khỏe đối với người lái xe lên 12 tháng thay vì 6 tháng như quy định hiện hành. Người lái xe phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh hoặc tai nạn gây ảnh hưởng đến việc lái xe.

Tuy nhiên đề xuất người lái xe phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn khiến nhiều người băn khoăn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Văn Sơn (ngụ huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho rằng đề xuất quy định người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn là không rõ ràng, chưa phù hợp. Theo anh Sơn, quy định này chung chung, không rõ bệnh/tai nạn mức độ nào sẽ phải đi khám lại sức khỏe.

“Nếu coi là bệnh thì cảm cúm, ho sốt, cúm A, cúm B cũng là bệnh hay bị tai nạn chỉ xây xát nhẹ chân tay cũng là tai nạn. Những trường hợp này có phải đi khám không?

Tôi cho rằng cơ quan soạn thảo cần điều chỉnh, quy định cụ thể những bệnh như thế nào, tai nạn mức độ nghiêm trọng phải khám sức khỏe lại, không thể chung chung sẽ gây khó, tốn kém cho anh em tài xế chúng tôi”, anh Sơn nêu.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Bộ Quốc phòng) cũng cho rằng thực tế hiện nay người dân chưa thực sự quan tâm đến việc khám sức khỏe, ngay cả những người có bệnh lý nền đôi khi còn bỏ khám định kỳ, tái khám. Vì vậy quy định trách nhiệm người lái xe phải khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn sẽ khó để thực hiện.

Dự thảo cũng cần đưa ra những bệnh, mức độ tai nạn cụ thể cần khám lại sức khỏe lái xe để người lái xe hiểu rõ.

Mục đích tốt nhưng liệu có thể thực hiện?

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cũng đánh giá mục đích đề xuất của Bộ Y tế là tốt, với ý nghĩa tài xế phải khỏe mạnh mới lên xe, lái xe máy, lái ô tô. Nhưng với cách thể hiện như trong dự thảo là không rõ ràng, không khoa học, không hợp lý, khó hiểu.

Theo ông Thủy, khi thuê tài xế, hơn ai hết người chủ doanh nghiệp, quản lý phải chọn lựa người đủ sức khỏe và bảo đảm các quy định thăm khám định kỳ. Trường hợp tài xế bị bệnh, bị tai nạn, có chỉ định của bác sĩ cần nghỉ ngơi, thăm khám, không được làm việc thì đương nhiên không có ai dám ép họ phải lái xe vì nếu xảy ra sự cố thì doanh nghiệp cũng phải chịu.

Với những tài xế bị bệnh, bị tai nạn nếu được bệnh viện điều trị khỏi rồi, có giấy xuất viện thì đó coi như chứng nhận đã đảm bảo sức khỏe. Trường hợp chưa đảm bảo sức khỏe hay phải khám lại bệnh viện sẽ phải lưu ý rõ. Như vậy, với những trường hợp này không cần thiết phải quy định chủ động khám lại sức khỏe.

Quy định hiện hành bắt buộc người hành nghề lái xe phải kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Do vậy dự thảo thông tư yêu cầu sau khi điều trị bệnh, tai nạn, người lái xe phải đi khám sức khỏe lại, khi đến kỳ khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần lại không cần thiết.

Ông Thủy cũng đề nghị Bộ Y tế cần quy định rõ những loại bệnh nào, tai nạn nào cần phải khám lại khi hành nghề lái xe. Đồng thời, quy định cũng cần rõ ràng, nếu không sẽ vô tình gây khó khăn cho người lao động, tạo thêm gánh nặng, tốn kém cho người dân, doanh nghiệp.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cũng cho rằng việc người lái xe phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn sẽ đảm bảo an toàn cho chính người lái xe cũng như cộng đồng. Tuy nhiên việc thực hiện như thế nào thì cần phải nghiên cứu, có quy định chế tài cụ thể.

Bác sĩ Hoàng đề xuất cần có chế tài cụ thể, chặt chẽ mới có thể thực hiện được quy định này. Ví dụ nếu không chủ động khám sức khỏe, người lái xe sẽ không được gia hạn bằng lái. Ngoài ra cần áp dụng việc khám sức khỏe đơn giản để thuận lợi cho người dân. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế, kiểm soát bằng liên thông dữ liệu, hồ sơ sức khỏe…

Đối với đề xuất nâng thời hạn sử dụng của giấy khám sức khỏe đối với người lái xe lên 12 tháng thay vì 6 tháng như quy định hiện hành, các chuyên gia bày tỏ ủng hộ. Việc tăng hạn sử dụng sẽ giảm chi phí, thời gian cho những người phải thực hiện khám sức khỏe bắt buộc mang lại ảnh hưởng tích cực, làm giảm chi phí với các doanh nghiệp vận tải.

Buộc lái xe khám sức khỏe sau điều trị bệnh có khả thi? - Ảnh 2.

Khám sức khỏe khi cấp lại giấy phép lái xe tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Sẽ có sự điều chỉnh hợp lý

Trả lời Tuổi Trẻ về dự thảo lần này, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) – đơn vị xây dựng dự thảo – cho hay đây là dự thảo lần đầu và đang lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện. Riêng về đề xuất người lái xe phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn, vị này cho hay cũng đã nhận được nhiều ý kiến xây dựng.

“Bộ Y tế xây dựng dự thảo trên tiêu chuẩn về sức khỏe người dân, việc thực hiện còn cần sự góp ý, phối hợp của các bên liên quan. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến các chuyên gia, người dân để có những quy định phù hợp trong bối cảnh hiện nay”, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay.

Khám sức khỏe định kỳ chỉ áp dụng với người làm nghề lái xe ô tô

Theo dự thảo, việc khám sức khỏe định kỳ chỉ áp dụng đối với người lái xe ô tô chuyên nghiệp (người làm nghề lái xe ô tô) theo quy định của pháp luật về lao động.

Người làm nghề lái xe ô tô phải chấp hành yêu cầu khám sức khỏe định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về y tế hoặc cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sở giao thông vận tải các tỉnh thành) hoặc của người sử dụng lao động.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *