Cuối tuần qua, cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các thành viên G20 ở Brazil đã thu hút sự chú ý lớn từ các tỉ phú thế giới. Tại hội nghị này, chủ nhà Brazil thất bại trong việc thúc đẩy sự đồng thuận của G20 về mức thuế tài sản tối thiểu 2% toàn cầu với các tỉ phú USD, nhưng lại thành công trong việc khiến G20 nhất trí về điều chỉnh mức thuế đối với giới siêu giàu.
Thúc đẩy công bằng xã hội
Chính quyền của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, một chính trị gia trung tả, đã thúc đẩy mức thuế tối thiểu 2% với giới siêu giàu và xem đây là một trong những mục tiêu hàng đầu trong chương trình nghị sự G20 năm nay. Đề xuất này được lấy ý tưởng từ các cuộc thảo luận về thuế tối thiểu doanh nghiệp tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) gồm nhiều nước có thu nhập cao.
Theo một phân tích được tổ chức Oxfam công bố trước cuộc họp của các bộ trưởng G20, khoảng 1% người giàu nhất thế giới đã tích lũy được số tài sản 42.000 tỉ USD chỉ trong thập niên qua – gần gấp 36 lần so với toàn bộ 50% người nghèo toàn thế giới.
Chính quyền Brasillia lập luận nếu thuế tối thiểu với các tỉ phú USD được thông qua, thế giới sẽ có thêm ít nhất 250 tỉ USD mỗi năm từ giới siêu giàu. Số tiền đó sẽ được dùng để thúc đẩy các chương trình như giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu, nghèo đói và bất bình đẳng trong xã hội. Đồng thời, để bảo đảm ý tưởng này phát huy hiệu quả, việc áp thuế phải được triển khai trên toàn cầu để tránh các tỉ phú chạy từ các nước G20 sang những nước khác nhằm bảo toàn tài sản.
Tổng thống Lula da Silva đã bảo vệ đề xuất thuế tối thiểu với giới siêu giàu, nhấn mạnh hệ thống thuế hiện nay không còn tiến bộ nữa mà đang thụt lùi. “Một số cá nhân kiểm soát nhiều tài nguyên hơn cả một quốc gia. Thậm chí có người ôm ấp hẳn một chương trình không gian cho riêng mình” – ông Lula da Silva nói thêm, ám chỉ hai tỉ phú hàng đầu thế giới đang ở Mỹ là Elon Musk (chủ sở hữu SpaceX) và Jeff Bezos (người sáng lập công ty vũ trụ Blue Origin).
Nam Phi – nước chủ nhà G20 vào năm 2025 – cùng với Pháp và Tây Ban Nha đã bày tỏ sự ủng hộ. Nhưng con số 2% đã gây ra nhiều tranh cãi và đối mặt với phản ứng dữ dội, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, những người đã đến Rio de Janeiro (Brazil) tuần qua. Trong đó, bà Yellen nhấn mạnh Washington “không nhìn thấy nhu cầu hoặc thực sự nghĩ rằng việc cố gắng đàm phán một thỏa thuận toàn cầu về thuế tối thiểu với giới siêu giàu là điều cấp thiết”.
Lùi một bước để tiến hai bước?
Mặc dù không đạt được đồng thuận về con số 2%, Brazil vẫn thành công trong việc thúc đẩy các bộ trưởng G20 gật đầu cho một thông cáo chung và “Tuyên bố Rio de Janeiro về hợp tác thuế quốc tế”. Trong đó, tuyên bố nhấn mạnh: “Điều quan trọng đối với tất cả người nộp thuế, bao gồm cả những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao, là phải đóng góp thuế công bằng.
Việc trốn thuế hoặc tránh thuế một cách hung hãn của những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao có thể làm suy yếu tính công bằng của hệ thống thuế, đi kèm với việc giảm hiệu quả của thuế lũy tiến”. Tuy nhiên, tuyên bố cũng thừa nhận những thách thức, trong đó có “tính di động quốc tế của các cá nhân có tài sản ròng giá trị cực cao”.
Thông cáo chung của các bộ trưởng thì nhấn mạnh “sự tái khẳng định cam kết của G20 về minh bạch thuế, thúc đẩy đối thoại về thuế công bằng và lũy tiến, bao gồm cả thuế đối với những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao, cùng nhiều chủ đề khác”.
Việc đưa vào các nội dung trên có thể xem là một thành công nhất định của chủ nhà Brazil. Bình luận về những gì vừa diễn ra tại cuộc họp của G20, báo Guardian của Anh nói thẳng rằng nhiều chính phủ muốn bổ sung ngân sách từ tiền thuế của người giàu nhưng lại lo ngại việc họ rời khỏi nước mình. Thái độ tại Brazil cũng cho thấy một số nước dù không ủng hộ song cũng không muốn chỉ trích công khai kế hoạch sẽ lấy tiền từ giới siêu giàu cho các mục tiêu khí hậu.
OECD, Oxfarm và cả người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva cũng đưa ra các phản ứng liên quan. Trong đó, bà Georgieva ca ngợi quan điểm “sự công bằng về thuế” của G20. OECD thì khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Brazil trong thúc đẩy minh bạch, công bằng trong hệ thống thuế và đối thoại toàn cầu về vấn đề này.
Giờ là lúc để đi xa hơn
Trên Hãng thông tấn AFP của Pháp, nhà kinh tế học và là tác giả của một báo cáo về việc đánh thuế người giàu, ông Gabriel Zucman, đã hoan nghênh việc “lần đầu tiên trong lịch sử có sự đồng thuận giữa các thành viên G20 rằng cách chúng ta đánh thuế người siêu giàu phải được điều chỉnh”.
“Giờ là lúc để đi xa hơn” – nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz cũng bày tỏ quan điểm với AFP và thúc giục các nhà lãnh đạo cao nhất của G20 thảo luận vấn đề này trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11 tới tại Brazil.