Chủ quan với bệnh lý tuyến giáp dễ ung thư
Cách đây 3 năm, chị Y. (34 tuổi, TP.HCM) đi khám phát hiện bướu giáp, được sinh thiết với kết quả lành tính. Chị yên tâm về nhà và không tái khám vì tin tưởng là mình sẽ không bị ung thư.
Mãi một tháng trở lại đây, sờ thấy cục u to vùng cổ thì chị Y. đến khám tại một bệnh viện ở TP.HCM. Chị được siêu âm tuyến giáp nghi ngờ khối u ác tính và được sinh thiết, kết quả ung thư tuyến giáp.
Sau đó bệnh nhân được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo hạch cổ. Ca mổ diễn tiến khó khăn vì bướu để lâu đã dính vào những cấu trúc xung quanh và di căn nhiều hạch.
Kết quả sau mổ, chị Y. hồi phục tốt nhưng vẫn tiếp tục điều trị và phải uống i ốt phóng xạ.
Các bác sĩ nhận định nếu chị Y. tái khám sớm để được chẩn đoán sớm thì ca phẫu thuật sẽ dễ dàng hơn và có khả năng không phải uống i ốt phóng xạ sau đó.
Bà P.T.H. (50 tuổi, Đồng Nai) trong một lần đi khám sức khỏe tổng quát bất ngờ phát hiện mình bị u tuyến giáp.
Sau khi xem kết quả siêu âm, các bác sĩ đánh giá chưa cần phải sinh thiết kim nhưng bắt buộc phải theo dõi u 6 tháng/lần, điều chỉnh chế độ ăn uống.
“May mắn đi khám sức khỏe tổng quát sớm để biết sớm và theo dõi. Nhận được kết quả tôi cũng khá bất ngờ, không ngờ mình lại mắc bệnh”, bà H. nói.
Phát hiện bệnh lý tuyến giáp sớm dễ điều trị sớm
BS CK2 Nguyễn Văn Việt Thành – phó trưởng khoa lồng ngực – bướu cổ, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM – cho biết bệnh lý tuyến giáp bao gồm hai nhóm bệnh là nội khoa và ngoại khoa, thường gặp nữ giới và cao hơn gấp 4 lần so với nam giới.
Nhóm bệnh nội khoa đa phần thường do rối loạn chức năng tuyến giáp, thường gặp nhất là cường giáp, suy giáp, nhiễm độc giáp…
Người bệnh sẽ có các triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực, sụt cân, tay run, rụng tóc, dễ buồn ngủ, lãnh cảm…
Với bệnh lý ngoại khoa tuyến giáp gồm: u giáp lành tính và ung thư tuyến giáp, bệnh nhân soi gương thấy u vùng cổ.
Bác sĩ Thành chia sẻ bệnh lý tuyến giáp chiếm từ 4-13% trong dân số, số người mắc phải khá nhiều, nhiều người chưa biết mình mắc, chỉ khi đi khám sức khỏe tổng quát mới vô tình phát hiện. Người dân sống ở vùng cao, ít tiếp xúc với biển sẽ có nguy cơ mắc cao hơn.
Các bệnh lý tuyến giáp nếu phát hiện sớm có thể điều trị bằng cách uống thuốc hoặc bổ sung muối i ốt trong dinh dưỡng. Tuy nhiên, có đến 5% khối u lành tính theo thời gian, số ít có thể hóa ác tính gây ung thư do đó cần phải theo dõi sát.
Ngoài ra, bệnh lý tuyến giáp chỉ phẫu thuật khi khối u ngày càng lớn, chèn ép các cơ quan vùng cổ như khí quản, thực quản, điều trị bằng thuốc không có tác dụng hoặc ung thư tuyến giáp.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh lý tuyến giáp?
BS CKI Đỗ Tiến Vũ – khoa nội tiết – đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – cho biết kiểm tra sức khỏe định kỳ và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh lý tuyến giáp.
Khi phát hiện những bất thường ở cổ hoặc bất cứ vấn đề liên quan đến sức khỏe, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra, tư vấn điều trị. Việc phát hiện và chữa trị sớm sẽ giúp ngăn bệnh diễn tiến nặng.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng giúp hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh về tuyến giáp. Trong đó, i ốt giúp cân bằng, kích thích sản sinh các nội tiết tố cần thiết, giảm sự hình thành các khối u tuyến giáp. Tuy nhiên, cơ thể không tự tổng hợp i ốt mà phải cung cấp qua đường ăn uống.
Một số loại thực phẩm tốt cho người bệnh tuyến giáp có thể lựa chọn: rong biển, tảo bẹ, rau mồng tơi, diếp cá, rau muống…
Nhóm axit béo, omega 3 có trong cá hồi, thịt bò, tôm, hàu, phô mai… Sữa chua ít béo chứa nhiều i ốt, vitamin D tốt cho tuyến giáp.
Các loại hạt: hạnh nhân, hạt điều… là nguồn cung cấp magie cho cơ thể, giàu protein thực vật, vitamin B, vitamin E và các khoáng chất khác hỗ trợ tuyến giáp hoạt động hiệu quả.