Cá tra Việt Nam xuất khẩu đang phải ‘đọ sức’ với cá tuyết, cá minh thái

Cá tra Việt Nam được chế biến để xuất khẩu – Ảnh: THẢO THƯƠNG

Theo VASEP, câu chuyện cạnh tranh với những đối thủ để giành thị phần với sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu ngày càng khó khăn, khốc liệt.

VASEP dẫn ra các thị trường “ruột” của cá tra Việt Nam xuất khẩu như Trung Quốc, Mỹ, EU, CPTPP… Tuy nhiên, các thị trường này hiện đang tiêu thụ mạnh cá tuyết, cá minh thái vì hương vị thơm ngon, dinh dưỡng.

“Cá tuyết được ví là “vua” của các loài cá, có giá trị thương hiệu cao. Còn cá minh thái cũng rất dinh dưỡng, có giá ổn định hơn các loại cá khác. Từ năm 2021, Trung Quốc tăng ăn hai loại cá này. Mỹ cũng thế, năm 2022 là năm Mỹ ăn nhiều nhất cá tuyết tính đến thời điểm này.

Ngoài ra, cá rô phi phi lê đông lạnh cũng được ưa thích tại Mỹ, chỉ sau phi lê cá tuyết. Đây là những đối thủ nặng ký của cá tra Việt Nam”, một chuyên gia của VASEP nhận định.

Giải pháp để cá tra Việt Nam vượt “đường đua” vào nhiều thị trường, chuyên gia này gợi ý: “Cá tra Việt Nam cần nâng chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng thương hiệu, tìm kiếm các thị trường cao cấp, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng…”.

Ngày 12-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phan Thế Quang (TP Cần Thơ) – doanh nghiệp thu mua thủy sản chế biến và xuất khẩu – cho biết trước đây cá minh thái Alaska được ưa thích hơn cá tra do được khai thác tự nhiên, giá rẻ tương đương, thậm chí rẻ hơn cá tra nuôi.

Ông Quang nói: “Năm 2007-2008, nhiều nước giảm tối đa việc khai thác cá minh thái Alaska để duy trì sản lượng tự nhiên, làm cho nguồn cung sản phẩm cá minh thái giảm mạnh. 

Do đó giá cá tra đột ngột tăng vọt do được nhiều nhà nhập khẩu Mỹ, các nước châu Âu chọn là sản phẩm thay thế cá minh thái. 

Sau thời gian giảm khai thác, hiện nay sản lượng cá minh thái tự nhiên đã phục hồi, một số thị trường quen thuộc của cá tra Việt Nam quay lại với sản phẩm truyền thống này”.

Ông Quang phân tích cá tra Việt Nam có những lợi thế như giá thành thấp; sản lượng lớn, ổn định; được chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau, đáp ứng được nhiều thị trường.

“Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm cá tra chưa đồng đều, đối mặt với nhiều rào cản thương mại, hoạt động cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá, gian lận thương mại… 

Chỉ có nâng cao chất lượng để lấn sân vào các thị trường cao cấp, mới kéo lại được vị thế lâu dài cho cá tra Việt Nam”, ông Quang nhận định.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khác cho biết cá tra Việt Nam còn phải đối mặt lớn với sự cạnh tranh từ các quốc gia sản xuất cá da trơn khác như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia…

Việt Nam đứng thứ 2 trong xuất khẩu cá thịt trắng sang Trung Quốc

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Việt Nam là nguồn cung thứ 2 trong cuộc đua xuất khẩu cá thịt trắng sang Trung Quốc, chỉ sau Nga.

Nửa đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu gần 80.000 cá thịt trắng, chủ yếu là cá tra từ Việt Nam, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó nhập khẩu từ Mỹ đạt 45.000, tăng 57%.

Còn Tổng cục Hải quan thông tin nửa đầu tháng 7-2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 85 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế xuất khẩu tính đến ngày 15-7-2024 đạt hơn 1 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *