Các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được gỡ vướng thủ tục đầu tư

Những ách tắc thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đã được tháo gỡ, giúp các chủ đầu tư các dự án thuận lợi hơn trong khâu làm thủ tục – Ảnh: NGỌC HIỂN

Chính phủ vừa ban hành nghị định số 115 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu, Luật Đất đai về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, trong đó đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của một số nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tại khoản 5 điều 68 nghị định 115 đã sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 7 điều 31 nghị định với nội dung: “Đối với quy hoạch đô thị, nội dung thẩm định phải có đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch phân khu; trường hợp dự án được đề xuất tại khu vực không phải lập quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch phân khu phải điều chỉnh và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chung”.

Quy định này sẽ tháo gỡ được vướng mắc, ách tắc nhiều năm qua về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại và các dự án đầu tư có sử dụng đất có mục đích phục vụ lưu trú như căn hộ dịch vụ (serviced apartment), căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), căn hộ du lịch (condotel)…

Trước đó, nghị định 31 quy định việc thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch khi thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư lại yêu cầu đối với quy hoạch đô thị, nội dung thẩm định phải có đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chi tiết (nếu có), quy hoạch phân khu (nếu có). Trường hợp quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chung. 

Theo các doanh nghiệp địa ốc, đây là quy định khiến 100% dự án nhà ở xã hội và phần lớn dự án nhà ở thương mại không thể đáp ứng yêu cầu này từ năm 2021 đến nay khi doanh nghiệp phải thực hiện theo nghị định 31.

Hệ quả là năm 2021 tại TP.HCM chỉ có 7 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, năm 2022 chỉ có 2 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận và năm 2023 cũng chỉ có 2 dự án nhà ở thương mại được phê duyệt. Cùng với đó, không có dự án nhà ở xã hội nào được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho rằng nếu không nhận được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng không thể thực hiện tiếp thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tại Sở Quy hoạch Kiến trúc hay thủ tục giao đất, cho thuê đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường sau đó.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *