Trong sự kiện cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắn tại bang Pennsylvania ngày 13-7 (giờ địa phương), các đặc vụ bảo vệ cựu tổng thống đã nhào lên sân khấu che chắn ứng viên Đảng Cộng hòa chỉ vài giây sau khi tiếng súng nổ ra.
Tuy chưa có thông tin chính thức những đặc vụ che chắn ấy thuộc cơ quan nào, nhưng xét theo chức năng và quyền hạn, gần như chắc chắn họ thuộc Mật vụ Mỹ.
Một trong những tổ chức lâu đời nhất lịch sử Mỹ
Mật vụ Mỹ là một trong những cơ quan liên bang lâu đời nhất. Cơ quan này được cố tổng thống Abraham Lincoln thành lập năm 1865, với chức năng ban đầu là cơ quan chuyên trách giải quyết nạn tiền giả tràn lan trên thị trường.
Mật vụ Mỹ bắt đầu chính thức được giao nhiệm vụ bảo vệ các đời tổng thống, cựu tổng thống, gia đình và những yếu nhân khác từ năm 1901, sau khi tổng thống William McKinley qua đời do bị ám sát.
Theo thời gian, chức năng và nhiệm vụ của cơ quan này liên tục thay đổi. Tuy nhiên, đến nay cơ quan này chủ yếu thực hiện hai nhiệm vụ chính: bảo vệ yếu nhân và điều tra các tội phạm tài chính khác nhau, bao gồm gian lận thẻ tín dụng, rửa tiền…
Đến nay, danh sách nhân vật nhận được sự bảo vệ thường trực của Mật vụ Mỹ bao gồm: tổng thống, phó tổng thống hoặc cá nhân tiếp theo trong danh sách kế vị tổng thống (trường hợp phó tổng thống không thể phục vụ), ứng viên tổng thống, phó tổng thống mới đắc cử và gia đình họ.
Các cựu tổng thống và vợ/chồng họ cũng được Mật vụ Mỹ bảo vệ suốt đời. Con cái cựu tổng thống được bảo vệ đến 16 tuổi. Trong khi đó, gia đình cựu phó tổng thống chỉ được bảo vệ tối đa 6 tháng sau khi rời nhiệm sở.
Một số cá nhân cũng được mật vụ bảo vệ tạm thời, bao gồm lãnh đạo quốc gia và vợ/chồng họ trong thời gian công du đến Mỹ, các ứng viên tổng thống và phó tổng thống quan trọng (trong vòng 120 ngày trước ngày bầu cử)…
Trong số trên, ngoại trừ tổng thống và phó tổng thống đương nhiệm, tất cả đều không được Mật vụ Mỹ bảo vệ.
Làm bia đỡ đạn cho ông Trump
Là lực lượng chuyên trách bảo vệ người đứng đầu Nhà Trắng, lực lượng mật vụ phối hợp cùng các cơ quan hành pháp khác đảm bảo an ninh 24/7 cho các đối tượng được bảo vệ.
Đối với cá nhân quan trọng như tổng thống, cựu tổng thống… luôn luôn phải có sự hiện diện của mật vụ. Quy định này khắt khe đến mức có một số câu đùa chưa được kiểm chứng rằng mật vụ theo tổng thống vào tận… nhà tắm.
Chính quy định này đang tạo ra một dấu hỏi lớn với hệ thống tư pháp Mỹ.
Cựu tổng thống Donald Trump đang đối diện nguy cơ ngồi tù, và đến nay không quan chức tư pháp, hành pháp nào có thể khẳng định chắc chắn nhân viên mật vụ có phải “ngồi tù chung” để bảo vệ ông Trump hay không.
Trong các trường hợp khẩn cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người được bảo vệ như sự kiện nổ súng vào ông Trump vừa xảy ra, các nhân viên mật vụ phải đảm bảo che chắn hoàn toàn yếu nhân bằng chính cơ thể mình trong vài giây sau khi có tiếng súng hoặc phát hiện mối nguy hại.
Nói cách khác, các nhân viên mật vụ đóng vai trò như “bia đỡ đạn” của những yếu nhân Mỹ khi họ gặp nguy hiểm.
Trong những trường hợp trên, ưu tiên số một của mật vụ là tiếp tục che chắn và hộ tống yếu nhân sơ tán khỏi hiện trường.
Các nhân viên thực chiến được đào tạo bài bản về sơ cấp cứu có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe ban đầu của yếu nhân. Với những đối tượng như tổng thống, cựu tổng thống, mật vụ phải đảm bảo mang theo một đơn vị máu của người được bảo vệ và đoàn hộ tống luôn cách cơ sở y tế gần nhất tối đa 10 phút di chuyển.
Song song với việc bảo vệ yếu nhân, các nhân viên mật vụ cũng phối hợp cơ quan chức năng khác vô hiệu hóa mối nguy hại và điều tra tường tận vụ việc.