Mới đây Bộ Công Thương vừa quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ Cá Tầm, Lô 09-3/12, điều chỉnh năm 2023.
Đây là mỏ dầu khí do Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro lập và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) trình Bộ Công Thương, hội đồng thẩm định phê duyệt.
Điều chỉnh khai thác các mỏ
Theo đó, mỏ Cá Tầm sẽ được tiếp tục đầu tư, xây dựng và phát triển mỏ theo quyết định đã Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021. Tuy vậy, điều chỉnh bổ sung chi phí đầu tư để thực hiện các công việc đã được phê duyệt với mỏ.
Đưa vào khai thác giếng CT-7X và khoan mới bổ sung 2 giếng khai thác, cũng như có các giải pháp địa chất – kỹ thuật để nâng cao hiệu quả khai thác. Trong đó có việc bổ sung chi phí đầu tư, ghi nhận chi phí vận hành bổ sung; chi phí thu dọn công trình.
Theo đó, trữ lượng dầu khí thu hồi bổ sung của mỏ Cá Tầm từ khu vực các giếng này dự kiến là 259.900m3 dầu và 38,8 triệu m3 khí đồng hành; trữ lượng dầu khí thu hồi của mỏ Cá Tầm cho cả giai đoạn đến năm 2039 là 4,158 triệu m3 dầu và 406,7 triệu m3 khí đồng hành.
Trước đó năm 2022, giàn khai thác Cá Tầm 2 thuộc mỏ Cá Tầm, Lô 09-3/12 đã chính thức khai thác dòng dầu đầu tiên. Giàn khai thác Cá Tầm 2 (CTC-2) được xây dựng để khai thác dầu và khí với 12 lỗ giếng khoan, có tổng khối lượng xây lắp khoảng 2.380 tấn.
PVN phát triển mỏ Cá Tầm và đạt sản lượng khai thác 1 triệu tấn từ tháng 10-2021, sau gần 3 năm đưa vào khai thác, vận hành, với doanh thu bán dầu đạt 427,5 triệu USD, đóng góp ngân sách là 169 triệu USD.
Cùng với mỏ Cá Tầm vừa được phê duyệt, Hội đồng thẩm định kế hoạch phát triển mỏ dầu khí của Bộ Công Thương hiện cũng đang thẩm định phát triển mỏ Bạch Hổ, Lô 09-1 điều chỉnh năm 2024 khu vực Tây Nam.
Theo kế hoạch điều chỉnh đang được đề xuất, Lô 09-1 tại mỏ Bạch Hổ dự kiến sẽ xây dựng giàn nhẹ không người ở bên cạnh giàn BK-20 hiện hữu với 9 lỗ giếng, thiết bị phụ trợ, đường ống; khoan mới 5 giếng và dự kiến có dòng dầu đầu tiên vào quý 4-2025.
Tìm kiếm các mỏ mới để chặn đà suy giảm khai thác dầu khí
Mỏ Bạch Hổ là một trong những mỏ dầu khí lớn nhất, cung cấp chủ yếu dầu mỏ cho Việt Nam với hơn 80% sản lượng. Cùng đó là các mỏ dầu khí lớn như Sư Tử Đen, Sử Tử Vàng, Sư Tử Trắng, Sư Tử Nâu; Mỏ Tê Giác Trắng, Mỏ Lan Tây, Lan Đỏ, Mỏ Rồng Đôi – Rồng Đôi Tây, Mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh, cụm mỏ Lô PM3-CAA và 46CN…
Tuy nhiên, những năm gần đây việc khai thác dầu khí của Việt Nam đối mặt với tình trạng suy giảm của các mỏ dầu. Vì vậy, Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) là đơn vị chính có nhiệm vụ thăm dò và khai thác dầu khí, tìm kiếm và phát triển các mỏ dầu mới để bù đắp sản lượng giảm sút.
Trên thực tế, sản lượng của PVEP từ năm 2019 đến nay đã suy giảm trung bình khoảng trên 8%/năm (giảm từ 23 triệu thùng năm 2019 xuống còn 16,7 triệu thùng năm 2023).
Trong 6 tháng đầu năm PVEP đã triển khai khoan thành công giếng thăm dò Bunga Aster-1 và đưa vào khai thác, sớm hơn kế hoạch 11 ngày với lưu lượng khoảng 3.000 thùng dầu/ngày, gia tăng trữ lượng đạt 1,3 triệu tấn quy dầu (từ giếng Bunga Aster-1 và HMV-1X).
Tiến độ phát triển mỏ Đại Hùng pha 3 triển khai tốt, đảm bảo cho dòng dầu đầu tiên vào quý 3-2024. Khai thác dầu khí đạt 1,41 triệu tấn quy dầu, đạt trên 50% kế hoạch năm 2024. Nhờ vậy, doanh thu đạt 15.765 tỉ đồng, nộp ngân sách đạt 5.609 tỉ đồng, đạt 60% kế hoạch năm 2024.
Đến nay, PVEP đang có 34 dự án dầu khí, phân bổ cơ cấu ở các giai đoạn khai thác, phát triển và tìm kiếm thăm dò, trong đó có 14 dự án ở giai đoạn khai thác, 8 dự án ở giai đoạn phát triển và 12 dự án ở giai đoạn tìm kiếm thăm dò.
Như vậy, tính chung toàn PVN, hiện có 39 mỏ, cụm mỏ dầu khí đã được đưa vào khai thác. Cùng đó là 5 mỏ, cụm mỏ khí lớn nhất Việt Nam đang được phát triển như: Cá Voi Xanh (Lô 118), cụm mỏ khí Kim Long – Ác Quỷ – Cá Voi (Lô B, 48/95; 52/97).
Đến nay, PVN đạt sản lượng khai thác dầu thô trung bình 7,5-8,5 triệu tấn/năm; sản lượng khí đạt 6-8 tỉ m3/năm.
Hồi đầu năm, tập đoàn này đã công bố có hai phát hiện quan trọng tại giếng R79, mỏ Rồng thuộc lô 09-1 và giếng BA-1X, mỏ Bunga Aster, lô PM3 CAA.