Chiều 13-9, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố hỗ trợ người dân và khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi tổng giá trị khoảng 100 tỉ đồng.
Trong đó Viettel đóng góp 20 tỉ đồng vào quỹ của Bộ Quốc phòng, và 80 tỉ đồng các dịch vụ cung cấp cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai.
Viettel hỗ trợ trực tiếp tiền dịch vụ vào tài khoản của hơn 2 triệu khách hàng và thiết lập liên lạc khẩn cấp cho người dân và các đội cứu hộ tại các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Viettel ưu tiên thiết lập liên lạc mới và cung cấp hàng trăm sim điện thoại tại các xã, huyện xảy ra sự cố sạt lở để đảm bảo liên lạc cho các đội cứu hộ, như xã Phúc Khánh, xã Nậm Lúc (Lào Cai), xã Ca Thành (Cao Bằng). Cùng với đó, phục vụ 500 điểm sạc pin điện thoại tại các khu vực bị mất điện lưới.
Đến nay, mạng lưới Viettel đã được khôi phục hoàn toàn tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo tình hình thực tế, Viettel tiếp tục có các hoạt động hỗ trợ khách hàng khu vực ảnh hưởng bởi bão lũ.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đã công bố gói hỗ trợ đặc biệt 50 tỉ đồng dành cho người dân và khách hàng bị ảnh hưởng bão lũ. Trong đó 25 tỉ đồng hiện vật do cán bộ công nhân viên VNPT mỗi người đóng góp một ngày lương và từ nguồn quỹ chính sách xã hội của tập đoàn, 25 tỉ đồng là các dịch vụ VNPT cung cấp hỗ trợ trực tiếp người dân vùng lũ.
VNPT đặt mục tiêu trong vòng 10 ngày sẽ triển khai gói hỗ trợ tới tận tay người dân, với những hình thức hỗ trợ thiết thực nhất nhằm góp phần giúp người dân địa phương nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Cụ thể, VNPT đã triển khai chính sách hỗ trợ gói cước di động VinaPhone và giảm cước thuê bao Internet cáp quang để chia sẻ khó khăn với khách hàng tại 16 tỉnh thành miền Bắc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão số 3 và lũ quét, sạt lở.
Tính đến nay, đã có hơn 3,6 triệu thuê bao VinaPhone được hỗ trợ gói cước (bao gồm 100 phút gọi trong nước & 15Gb data) và có gần 600.000 thuê bao Internet cáp quang được hỗ trợ cước thuê bao.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, bão số 3 đã gây mất liên lạc tại 15 tỉnh, thành phố, với 6.285 trạm thu phát sóng di động bị ảnh hưởng do mất điện. Hiện các doanh nghiệp đã khắc phục được 4.012 vị trí trạm BTS, còn lại 2.273 trạm đang tiếp tục được khắc phục.
Tính đến 15h ngày 11-9, mưa lũ sau bão cũng làm ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng viễn thông tại các tỉnh miền núi phía Bắc, khiến 995 vị trí trạm đang mất liên lạc.