Cạm bẫy rình rập ngư dân biển Tây – Kỳ 1: Đường lên tàu tàn khốc

Các nạn nhân bị đánh đập dã man, có người gãy tay, người bị chấn thương sọ não vì bị “cò” bán cho tàu đi biển, làm không đạt năng suất – Ảnh: THANH HUYỀN – CHÍ CÔNG

Ngư dân đi biển đang khan hiếm, nên gần đây xuất hiện nhiều môi giới lao động. Bên cạnh những môi giới đúng nghĩa, giúp chủ tàu có nhân lực, người lao động có việc làm mong muốn, cũng có những “cò” ở Kiên Giang, Cà Mau với chiêu trò rao thù lao hấp dẫn đến vài chục triệu đồng mỗi tháng trên mạng để bẫy người nghèo. Họ không những không trả tiền, mà còn móc nối người trên tàu hành hung ngư dân tàn nhẫn.

Cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành, Kiên Giang) và cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) xưa nay luôn nhộn nhịp ghe tàu đánh cá ra vào. Nhiều người lao động tứ xứ đổ về cũng lỉnh kỉnh chuẩn bị đồ lên tàu đi biển.

Vì vậy, bên cạnh những chuyến ra khơi có nhiều niềm vui bạn tàu gắn kết làm việc thuận lợi, cũng có những chuyến đẫm nỗi đau của một số lao động nghèo bị “cò” lừa tiền và bị đánh đập dã man trên biển.

Chiêu lừa cũ nhưng dân nghèo dễ sập bẫy

Cạm bẫy rình rập ngư dân biển Tây - Kỳ 1: Đường lên tàu tàn khốc - Ảnh 2.

Cảng Tắc Cậu, Kiên Giang, người lao động nhộn nhịp lên tàu ra khơi đánh bắt cá – Ảnh: CHÍ CÔNG

Gần đây, báo Tuổi Trẻ nhận được lời cầu cứu nhói lòng của chị Nguyễn Thị Mỹ Minh ở TP.HCM về việc nhóm “cò” ngư dân lừa anh L.C.H. (cháu chị Minh, 22 tuổi, ở Bình Phước) xuống huyện Châu Thành (Kiên Giang) đi biển nhưng không được trả tiền và bị hành hung dã man đến thừa sống thiếu chết giữa biển cả.

Chị Minh kể, anh H. gốc nông dân vùng núi, ít học nên chậm hơn bạn đồng trang lứa. Gia cảnh nghèo, anh H. đọc thông tin trên Zalo, Facebook… và muốn đến Kiên Giang xin việc.

Người đăng bài trên mạng đã chỉ cách cho anh H. đi xe đò từ Bình Phước xuống huyện Châu Thành (Kiên Giang) để nhận việc. Sau đó, một người tên Sáu đón và nhóm “cò” ép anh H. ký giấy ứng tiền 20 triệu đồng.

Số tiền đó, nhóm “cò” cho biết sẽ mua dụng cụ cần thiết để anh H. đi đánh bắt cá trên vùng biển Kiên Giang. Còn lại ít tiền, anh H. sẽ gửi về quê phụ giúp gia đình.

“Cháu tôi đi biển ở Kiên Giang vào ngày 2-4-2024. Họ ép cháu ký giấy xong nhưng tiền thì không đưa đồng nào. Họ còn giữ chứng minh nhân dân của cháu”, chị Minh cho biết khi nghe hung tin đó gia đình bàng hoàng, run sợ.

Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, trên các trang mạng việc làm, chủ tài khoản có tên T. có đăng tuyển lao động ghe cào đôi với nội dung: “Cần tuyển nam có sức khỏe tốt, siêng năng, nhanh nhẹn, chịu khó. Ghe đi 100 ngày ứng 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng. Ghe đánh bắt có doanh thu về chia tiền thêm cho anh em, trung bình mỗi chuyến khoảng 40-50 triệu/người… Anh em có mặt được ứng trước 5-10 triệu đồng gửi về nhà. Hiện tại ghe ở Kiên Giang. Số điện thoại liên hệ 07647277XX…”.

Ở trang mạng xã hội khác, một người tên S. cũng đăng thông tin: “Mình chủ ghe cào đôi ở Kiên Giang, cần tìm người đi biển phụ lựa cá, chưa có kinh nghiệm được anh em hướng dẫn làm. Hợp đồng đi biển 100 ngày. Thu nhập ăn chia theo chuyến 50 đến 70 triệu đồng/chuyến… Đến nhà làm hợp đồng minh bạch rõ ràng. Trao đổi thêm công việc qua Zalo Sáu 03352731XX”.

Còn tại Cà Mau, các nhóm “cò” ngư dân hoạt động đơn giản nhưng hiệu quả. Ban đầu họ kết hợp với các quán nhậu và tiếp cận người có nhu cầu đi biển. Sau khi mời các bạn tàu này ăn uống no say, thậm chí có cả các cô gái phục vụ, khi bạn tàu không đủ tiền trả sẽ được “cò” đứng ra bảo lãnh với quán.

Sau đó, nhóm “cò” trên sẽ “mời” các bạn tàu về nhà mình để ở và đợi có chủ ghe tìm lao động rồi giới thiệu đi biển làm việc kiếm tiền trả lại cho “cò”.

Mỗi lao động đi ghe biển khai thác dài ngày sẽ được chủ ghe ứng trước 5 triệu để mua các nhu yếu phẩm cần thiết và gửi tiền về gia đình. Khi ghe hết chuyến biển vào bờ thì chủ ghe sẽ thông báo cho “cò” biết để ra tận ghe đón bạn tàu về nhà “cò”.

Cạm bẫy rình rập ngư dân biển Tây - Kỳ 1: Đường lên tàu tàn khốc - Ảnh 3.

Hình ảnh người đi biển bị hành hung đến thương tích được chụp lại – Ảnh: CHÍ CÔNG

Địa ngục trên biển

“Làm việc không quen nên cháu tôi bị nhóm người đi chung ghe đánh nhiều lắm. Tranh thủ lúc mạng điện thoại có sóng, cháu tôi đã gửi tin nhắn về cho tôi cầu cứu. Tôi cũng không biết kêu ai, gọi cho ai. Muốn về thì họ đòi tiền chuộc 40 triệu đồng mới cho cháu tôi về nhà…”, chị Minh ám ảnh nhắc lại chuyện anh H. bị đánh trên biển.

Và cháu chị Minh chỉ là một trong nhiều trường hợp bị tra tấn trên tàu cá ở Kiên Giang. Trước đó tháng 8-2023, Tuổi Trẻ đưa tin về trường hợp của ông T.M.T. (41 tuổi, ở Cà Mau) đi biển nhưng bị bạn chung tàu đánh đến gãy hai xương cẳng tay; ông N.V.C. (39 tuổi, ở Bến Tre) bị bạn đi chung tàu dùng cây gỗ đánh chấn thương sọ não.

“Làm nghề phải thức đêm nhiều, yếu sức do đó tôi làm việc không nổi, chậm hơn người khác nên anh M. là bạn đi chung tàu dùng cây đánh tôi. Tôi quỳ lạy, van xin hết lời nhưng vẫn bị đánh. Tôi lúc đó muốn nhảy xuống biển chết cho rồi”, ông C. nói trong nước mắt.

Trong khi đó, ông T.V.T. (49 tuổi, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại chuyện mình phải trải qua hơn hai tháng như địa ngục trên biển và phải chịu thương tích hơn 48%.

Ông T. cho biết cha nuôi của ông (ông này là một “cò” đi biển) giới thiệu xuống ghe của Nguyễn Công Toàn làm thuyền trưởng. Tháng đầu ông T. và mọi người làm việc bình thường. Sau đó, Toàn cùng bốn người khác là bạn tàu thay phiên nhau hành hạ ông T..

“12 lần tôi bị đánh thừa sống thiếu chết. Nhiều lần họ dùng kìm bẻ gãy hết bốn răng của tôi. Dùng kìm bấm vào vành tai, bấm ngón tay. Một số bạn tàu còn xem việc hành hạ tôi là thú vui khi hằng ngày lấy đuôi cá đuối đánh, bắt tôi ăn cá sống. Hằng ngày tôi còn phải chịu cảnh bạn tàu dùng cuốc, xẻng, vỏ xe đánh đập…”, ông T. ám ảnh nói.

Cạm bẫy rình rập ngư dân biển Tây - Kỳ 1: Đường lên tàu tàn khốc - Ảnh 4.

Tin nhắn cầu cứu giúp cháu của chị Nguyễn Thị Mỹ Minh

Đặc biệt, nhóm ngư dân trên tàu cứ nhậu vô là kéo ông T. ra hành hạ như thú tiêu khiển ác độc. Bà Võ Thị Lệ, mẹ ông T., hay tin con mình bị hành hung dã man, nước mắt lưng tròng hớt hải chạy ra đầu đường đón xe ôm qua Sông Đốc, tỉnh Cà Mau cứu con.

“Tôi không còn nhận ra con tôi nữa. Là con người như nhau mà tại sao họ có thể nhẫn tâm hành hạ con tôi như thế. Vết thương trên người con tôi được bác sĩ rửa sạch, nhưng mùi hôi thối từ lỗ tai và gương mặt biến dạng của con khiến tôi cầm lòng không đặng”. Dù những người hành hạ con bà đã bị pháp luật xét xử, bà Lệ vẫn ứa nước mắt khi nhắc lại chuyện xưa và mong muốn không có người nghèo nào phải lâm cảnh khốn khổ giống con mình.

Làm việc không quen nên cháu tôi bị nhóm người đi chung ghe đánh nhiều lắm. Tranh thủ lúc mạng điện thoại có sóng, cháu tôi đã gửi tin nhắn về cho tôi cầu cứu.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Minh

Vì sao nguồn lao động đi biển khan hiếm?

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết Cà Mau có đội tàu khai thác thủy sản xa bờ hơn 4.000 chiếc. Các tàu cá neo đậu và bán hải sản trên thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời); cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh) và cửa biển Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân).

Còn Kiên Giang có 8.208 tàu cá đã đăng ký. Ông Trương Văn Ngữ, chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá, thông tin một tàu cá muốn ra khơi khai thác hải sản thì cần khoảng

10 – 20 người lao động. Do đó, với hơn 12.000 tàu cá ở Kiên Giang, Cà Mau cần 120.000 – 200.000 lao động đi biển.

Tôm cá ở ngư trường vùng biển Tây Nam không còn dồi dào nên thu nhập trên biển giảm. Người lao động không còn mặn mà với nghề đi biển, dẫn đến khan hiếm nguồn lao động.

(còn tiếp)

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *