Cần có nguyên tắc, lộ trình rõ ràng xóa bỏ bù chéo trong giá điện

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường – Ảnh: Media Quốc hội

Chiều 19-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Đề xuất Nhà nước độc quyền xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Điện hạt nhân là một trong số loại năng lượng mới được nêu trong dự thảo.

Dự thảo luật nêu rõ, Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện loại này, bên cạnh độc quyền về đầu tư nhà máy thủy điện đa mục tiêu, các dự án nguồn, lưới điện khẩn cấp; điều độ hệ thống điện.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nói thường trực Ủy ban thấy rằng việc quy định về điện hạt nhân trong dự thảo Luật cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, làm rõ các quy định đối với điện hạt nhân trong các điều khoản của luật, nghiên cứu, quy định nguyên tắc trong luật này dẫn chiếu Luật Năng lượng nguyên tử.

Bên cạnh đó, cần cung cấp căn cứ chính trị, cơ sở khoa học, công nghệ và kỹ thuật để hỗ trợ việc triển khai các dự án điện hạt nhân. 

Ngoài ra, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo cấp có thẩm quyền về mức độ quy định đối với việc phát triển điện hạt nhân;

Theo tờ trình của Chính phủ, nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị từ năm 2020 đã đưa ra định hướng “không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền”.

Dự thảo luật bổ sung quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ hợp lý, giảm dần và tiến tới xóa bỏ bù chéo giá giữa các vùng miền và nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Cơ chế giá điện cũng được áp dụng phù hợp với các nhóm khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng việc bổ sung các quy định về xây dựng chính sách giá điện tiến tới sát thị trường là phù hợp.

Nhưng theo cơ quan thẩm tra, các quy định về giảm bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng chưa thể hiện cụ thể tại dự thảo luật.

“Dự thảo luật cần quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng hơn về xóa bỏ bù giá chéo giữa các nhóm khách hàng.

Việc này nhằm đảm bảo bình đẳng xã hội, nguyên tắc thị trường và khuyến khích tiết kiệm điện trong ngành sản xuất”, thường trực Ủy ban đề nghị.

Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định; bổ sung cơ chế về giá điện hai thành phần, nhập khẩu và xuất khẩu.

Dự thảo luật đề xuất Chính phủ sẽ là cơ quan có thẩm quyền trong ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, thay vì Thủ tướng.

Cụ thể, Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, trong đó nêu cụ thể thẩm quyền theo từng mức điều chỉnh giá. Thời gian điều chỉnh giá cũng được rút xuống còn 3 tháng, thay vì 6 tháng hiện nay.

Việc này để giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp biến động thực tế, thông số đầu vào sản xuất và bù đắp các chi phí, lợi nhuận hợp lý, bảo toàn vốn kinh doanh của doanh nghiệp.

Nghiên cứu cơ chế để cân bằng, bình ổn giá điện

Dự luật cũng bổ sung quy định về xây dựng khung giá phát của đơn vị phát điện, giá hợp đồng mua bán điện; giá tạm giữa bên bán và mua điện. Thường trực Ủy ban nhận thấy các quy định về giá điện hầu hết đều giao Bộ Công Thương xây dựng, thẩm định.

Nội dung này đã được quy định tại Luật Điện lực năm 2004. Tuy nhiên, việc xây dựng, thực hiện giá điện chưa hiệu quả, chưa minh bạch hết các thành phần cấu thành giá.

Trong khi đây là một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo công bằng, minh bạch của thị trường điện cạnh tranh.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm công khai minh bạch các loại giá (truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện).

Cơ quan soạn thảo cũng cần rà soát quy định về thẩm quyền, hình thức và phương pháp định giá điện, dịch vụ về điện để thống nhất với Luật Giá.

Đồng thời nghiên cứu cơ chế để cân bằng, bình ổn giá điện thông qua quỹ hoặc tài khoản cân bằng giá mặt hàng này…

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *