Người dân và du khách ở đảo Phú Quý đang đối mặt với việc đứt nguồn cung cấp heo, bò nguyên con do không có tàu để cung cấp từ đất liền ra đảo. Trong khi đó, đại diện nhà tàu cho rằng việc đáp ứng đủ các quy định để được chở heo, bò là cực kỳ khó khăn nên tạm thời ngưng…
Giá đội cao, du khách ở đảo Phú Quý thiếu “thịt bò nóng”
Theo một người chuyên kinh doanh món “bò nóng” (bò sống nguyên con được chế biến bán trong ngày) ở đảo, việc không còn tàu chở mặt hàng này ra đảo đã gây ra nhiều khó khăn, thậm chí có lúc đứt nguồn.
Vị này cho biết trước đây mua bò từ đất liền, thuê tàu Quản Trung chở ra đảo với giá cước gần 1 triệu đồng/con để chế biến cho du khách và người dân. Bình quân mỗi tháng nhập ra đảo gần 100 con.
“Nhưng gần 2 tháng qua, tôi không thể nhập được do không có tàu chở. Có người chấp nhận thuê tàu khác chở lụi đến đảo với giá khoảng 2,5 triệu đồng/con. Việc này bắt buộc họ đẩy giá bán lên để bù lại, ảnh hưởng rất nhiều đến du khách và người dân trên đảo”, một người kinh doanh món bò ở đảo Phú Quý (xin được giấu tên) bức xúc.
Trong thực tế, giá thịt heo hơi ở đảo đã tăng thêm khoảng 80.000 đồng/kg so với thời điểm tàu chở hàng ra bình thường, lên 200.000 – 220.000 đồng/kg. Tương tự, giá thịt bò cũng tăng khoảng 100.000 đồng/kg, lên hơn 400.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này chưa có dấu hiệu dừng lại nếu vẫn không nhập được heo, bò ra đảo.
Theo vị này, món bò không chỉ là thực phẩm thiết yếu cho người dân mà gần như là một đặc sản cho du khách khi đặt chân đến đảo Phú Quý du lịch. “Du khách ra đây hầu như sẽ chọn thêm món “bò nóng” thưởng thức thêm, thay thế cho hải sản. Do không còn nguồn để cung cấp nên các công ty lữ hành phải ngắt món “bò nóng” ra khỏi thực đơn”, vị này nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tàu dừng chở các mặt hàng này bởi không đúng quy định và công năng. Tuyến vận tải chủ yếu để chở hàng hóa từ đất liền đến đảo Phú Quý, gồm hai tàu Quản Trung và Quản Trung 2, xuất phát tại cảng vận tải Phan Thiết. Các tàu cao tốc chuyên chở người dân và du khách ra vào đảo, hàng hóa rất ít. Các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá chở hàng hóa ra đảo cũng không thể chở gia súc, gia cầm.
Cấm chở gia súc, gia cầm sống là đúng quy định!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện hai tàu hàng Quản Trung cho biết công năng của tàu là chở hàng hóa tổng hợp. Hàng chục năm nay, ngoài các loại nhu yếu phẩm thiết yếu (hàng tĩnh) được sắp xếp dưới hầm, nhà tàu để heo, bò còn sống trên boong. Từ khi cảng vụ yêu cầu làm đúng quy định, tàu không còn chở heo, bò nữa.
Giải thích lý do không cải hoán cho đúng quy định, vị này cho biết đây không phải là mặt hàng chủ lực của tàu. “Trong khi đó, nếu cải hoán sẽ đội chi phí lên rất lớn, phát sinh thêm thủ tục trong khi cước không thể tăng được nên không có khả thi về mặt kinh tế nên chúng tôi đang suy xét kỹ lại việc này”, vị này nói.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Thuận – phó giám đốc Cảng vụ hàng hải tỉnh Bình Thuận – giải thích các tàu hàng từ đất liền ra đảo Phú Quý mà đơn vị quản lý không đủ điều kiện để chở các loại gia súc. Cụ thể, đơn vị chỉ quản lý giám sát hai tàu hàng Quản Trung và Quản Trung 2 là chuyên chở hàng hóa từ cảng vận tải Phan Thiết ra đảo Phú Quý.
Đối chiếu với các quy định, cả hai tàu đều không có công năng và đủ điều kiện để chở gia súc còn sống nguyên con. Muốn chở được loại hàng này, các tàu phải đăng ký cải hoán, làm thêm ô chuồng và hệ thống thu gom chất thải, sau khi ngành đăng kiểm phê duyệt mới đủ điều kiện để được xem xét cấp phép. Tuy nhiên, ông Thuận thừa nhận việc cải hoán sẽ làm tăng chi phí, chưa kể thủ tục phức tap.
“Việc yêu cầu các tàu không được chở gia súc, gia cầm sống là thực hiện đúng quy định, đảm bảo an toàn hàng hải là trên hết, không cấm cản ai cả” – ông Thuận nói và gợi ý các chủ tàu đến ngày đăng kiểm định kỳ rồi cùng lúc cải hoán với quy mô nhỏ hơn để được chở gia súc phục vụ nhu cầu trên đảo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tạ Minh Nhựt – phó bí thư Huyện ủy kiêm phó chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý – cho biết địa phương đã phản ánh những bức xúc trên đến tỉnh và các cơ quan chuyên môn để mong tháo gỡ sớm.
Theo ông Nhựt, việc này không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu thiết yếu của người dân trên đảo mà còn làm nảy sinh tình trạng “găm hàng, thổi giá”.