Công tác quản lý trong các công ty cấp nước rất cần những tài liệu về không gian và phi không gian về các nhà máy nước, hệ thống mạng lưới cấp nước, van, đồng hồ khách hàng…
Tuy nhiên dữ liệu hệ thống cấp nước hiện nay còn nhiều nơi dùng phương pháp thủ công lưu trữ dưới dạng giấy hoặc trong phần mềm AutoCAD, thiếu các dữ liệu không gian… nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch và quản lý.
Nhờ có GIS, trong lĩnh vực quản lý các công trình cấp nước, các thông tin về khách hàng, tài sản của các công trình cấp nước và lưu giữ hồ sơ bảo trì và các khiếu nại của khách hàng sẽ được sắp xếp một cách hiệu quả, dễ dàng hơn.
GIS – nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Hải – phó giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Trung An – cho biết đơn vị đang phục vụ khoảng 240.000 khách hàng, là một trong những công ty cấp nước có số lượng khách hàng lớn thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco).
“Chúng tôi là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là phát triển các phần mềm như quản lý sự cố, thu tiền nước, đọc số, chăm sóc khách hàng…
Trong đó GIS là nền tảng cơ bản để kết nối và phát triển các ứng dụng khác. Trong lĩnh vực quản lý các công trình cấp nước, GIS giúp sắp xếp thông tin về khách hàng, tài sản của các công trình cấp nước, lưu giữ hồ sơ bảo trì và các khiếu nại của khách hàng một cách hiệu quả, dễ dàng hơn.
Và đa số những ứng dụng, phần mềm của công ty hiện tại phát triển đều có kết nối với nền tảng GIS”, ông Hải cung cấp.
Ông Hải chia sẻ thêm Trung An và các đơn vị khác được Sawaco trang bị bản quyền phần mềm của hệ thống GIS. Hệ thống GIS của đơn vị luôn ứng dụng hiệu quả và phát triển theo định hướng chung của tổng công ty.
Bên cạnh đó sau khi UBND TP.HCM có quyết định 38 ban hành năm 2023 về chia sẻ dữ liệu thông tin, cập nhật thông tin về tài nguyên môi trường, đơn vị đã phát triển và ứng dụng thêm hệ thống GIS mã nguồn mở phục vụ công việc tốt hơn.
Hệ thống này giúp một số bộ phận làm việc không cần dùng dữ liệu kết nối trực tiếp nhằm hạn chế tình trạng kết nối quá tải, ảnh hưởng đến tốc độ truy cập dữ liệu phục vụ công tác sản xuất kinh doanh của công ty. Đây cũng là phương án dự phòng cho hệ thống GIS của công ty, nhằm đảm bảo hiệu quả công tác.
Vì vậy khi công ty ứng dụng hệ thống GIS, tất cả phòng ban đội đều có thể sử dụng, chia sẻ, cập nhật thông tin liên thông với nhau. Từ đó giúp công ty nâng cao hiệu quả công tác quản lý cấp nước, thất thoát, khắc phục sự cố trên mạng lưới kịp thời, nhanh chóng và phát triển nhiều tiện ích khác phục vụ cho công tác.
“GIS Trung An” làm được những gì?
Phân tích rõ ràng và cụ thể hơn về hệ thống GIS của đơn vị, bà Nguyễn Thị Kim Yến – phó trưởng phòng kỹ thuật của Công ty cổ phần cấp nước Trung An – cho biết trong bối cảnh chung đơn vị đã bắt đầu ứng dụng hệ thống GIS từ năm 2013. Năm 2014, Trung An xây dựng bộ cơ sở dữ liệu theo quyết định 1290 của tổng công ty.
Đến năm 2016, đơn vị được Sawaco cung cấp hệ thống bản quyền của phần mềm GIS. Từ đó, Trung An bắt đầu phát triển và ứng dụng nhiều phần mềm phục vụ công tác sản xuất kinh doanh có kết nối trực tiếp với dữ liệu GIS như: phần mềm đọc số online, thu tiền online, thiết kế, thay đồng hồ nước, cắt hủy cắt tạm, xử lý sự cố…
Đầu năm 2023, đơn vị đã hoàn thành việc chuyển đổi cơ sở dữ liệu sang cấu trúc dữ liệu dùng chung theo quyết định 1258 và đồng bộ dữ liệu GIS với tổng công ty.
“Tất cả tài sản của chúng tôi đều được cập nhật lên hệ thống GIS. Việc này mang lại nhiều lợi ích trong quản lý, vận hành mạng lưới cấp nước. Nếu như trước đây, mỗi tuyến ống cấp nước được cập nhật trên phần mềm AutoCAD, phòng ban nào muốn xem dữ liệu thì phòng kỹ thuật phải chép file, chuyển file.
Hiện nay, khi đã ứng dụng hệ thống GIS thì tất cả thông tin về mạng lưới cấp nước (đường ống, đồng hồ khách hàng…) đều có trên cơ sở dữ liệu chung của công ty, các phòng ban đội đều được cấp quyền xem để phục vụ cho công tác.
Hơn cả là toàn bộ dữ liệu đều được số hóa và lưu trữ đầy đủ, các bộ phận không cần xuống kho tìm bản vẽ giấy như trước đây, từ đó tránh trường hợp bị thất lạc hồ sơ, hay hồ sơ bị hư hỏng theo thời gian”, bà Yến giải thích.
Vậy đối với khách hàng sẽ được hưởng lợi gì từ hệ thống này và việc bảo mật thông tin có an toàn hay không trong bối cảnh dữ liệu khách hàng bị rò rỉ rất nhiều?
Bà Yến khẳng định vấn đề bảo mật thông tin được đơn vị đặc biệt chú trọng. Đối với mỗi cá nhân, bộ phận làm việc chỉ được cấp quyền đúng với chức năng công tác của họ. Chứ không phải ai cũng được truy cập làm mọi thao tác để tránh việc mất cắp hay dữ liệu bị xóa.
“Như trong công tác ghi thu, nhân viên đọc số có thể coi trên họa đồ, phần mềm đọc số và biết đồng hồ nào chưa đọc, đã đọc rồi, đã tới nhà nhưng gặp trở ngại do khách đóng cửa để quay lại bổ sung sau.
Hay như việc thu tiền nước, trước đây có nhiều gia đình con cái đã đóng tiền, nhưng người lớn ở nhà không biết lại đóng lần nữa, việc này gây phiền cho khách hàng. Nhưng với việc ứng dụng hệ thống GIS, chúng tôi sẽ biết chính xác nhà khách hàng nào đã đóng hay chưa đóng tiền giúp nhân viên thu tiền đảm bảo công tác và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng”, bà Yến nêu ví dụ.
Ngoài ra các sự cố cũng được phát hiện và xử lý nhanh chóng nhờ vào bản đồ số hiển thị chi tiết, cụ thể trên mạng lưới cấp nước của đơn vị.
Bà Yến cũng khẳng định thêm dữ liệu mạng lưới cấp nước của Trung An đã được số hóa tương đối đầy đủ và chính xác theo thời gian thực, mạng lưới cấp nước phát triển đến đâu thì dữ liệu được cập nhật, số hóa đến đó nhằm đảm bảo chất lượng dữ liệu so với hiện trạng quản lý thực tế.
Hệ thống GIS của Trung An được phát triển như hôm nay là kết quả của sự khuyến khích, ủng hộ, tạo điều kiện phát triển từ Đảng ủy, ban lãnh đạo công ty và sự phối hợp của tất cả các phòng ban đội của đơn vị.
Trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục phát triển hệ thống GIS theo định hướng chung của tổng công ty và nghiên cứu, ứng dụng GIS mã nguồn mở theo định hướng chung của thành phố về tích hợp và chia sẻ các dữ liệu cơ sở hạ tầng, nhằm mang lại hiệu quả công tác và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, đảm bảo mục tiêu 100% người dân thành phố được sử dụng nước sạch.
Phục vụ khách hàng tốt hơn
Theo bà Yến, hệ thống GIS sẽ không mang lại lợi ích trực tiếp cho khách hàng nhưng điểm cuối vẫn là để phục vụ khách hàng tốt hơn. Có thể hiểu cấp nước quản lý tốt, liên thông xuyên suốt thì mọi thắc mắc, yêu cầu của khách hàng sẽ được xử lý nhanh chóng.