Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, mới đây một người khách dẫn chó đi trong chung cư Masteri Thảo Điền (phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức, TP.HCM) không đúng với quy định, ban quản lý chung cư gửi thông báo chế tài chủ căn hộ, yêu cầu nộp 2 triệu đồng. Người chủ căn hộ không chịu đóng phạt thì liền bị cắt nước sinh hoạt.
Vụ việc tạo nên tranh luận từ nhiều bạn đọc.
Ủng hộ cách xử lý của ban quản lý chung cư
Bạn đọc Lê Minh viết: “Tôi ủng hộ ban quản lý chung cư có quyền phạt những cư dân ở trong chung cư mà không có ý thức chung. Thật chướng mắt khi phải đi chung thang máy với chó mèo khi chung cư đã có quy định cấm”.
Tài khoản thuy****@gmail.com cũng ủng hộ hình thức xử lý của ban quản lý chung cư này. Tài khoản này cho rằng an toàn và vệ sinh là cần thiết cho cộng đồng khu dân cư.
“Phải buộc các chủ căn hộ có ý thức về trách nhiệm cho các dịch vụ chung của chung cư.
Nếu chủ nhà không buộc được khách thì chủ nhà phải từ chối cho khách thuê. Không thể đổ lỗi cho ban quản lý chung cư” – độc giả An Thủy nêu ý kiến.
Bạn đọc Nguyễn Văn Bắc phân tích: “Người khách này ở trong căn hộ nhà bạn thì bạn phải liên đới trách nhiệm. Nuôi chó trong chung cư gây phiền toái, mất vệ sinh, khó chịu cho người khác.
Bạn cần xem lại quy định của chung cư có cho phép nuôi chó mèo không, có những hạn chế gì. Mong bạn sống và làm việc tuân thủ theo pháp luật và quy định của chung cư bạn sống”.
Theo tài khoản hdng****@gmail.com: “Ông cho mướn nhà thì phạt ông là phải rồi. Ông với người mướn nhà tự xử lý với nhau, còn xử như thế nào là việc của ông”.
Còn bạn đọc Trương Kiệt đề nghị: “Có khi phải làm mạnh tay như cắt điện, cắt nước sinh hoạt để đánh động ý thức của nhiều người khi sống trong môi trường tập thể. Có như thế mới tuân thủ quy định chung. Chúng ta sống theo phương châm “mọi người vì một người” và “một người vì mọi người”.
Ban quản lý chung cư có lạm quyền?
Một số bạn đọc không đồng ý với cách xử lý của ban quản lý chung cư trên.
Tài khoản ngoc****@gmail.com cho rằng: “Việc để vật nuôi phóng uế nơi công cộng và khu vực cộng đồng là sai, nhưng nội quy của ban quản lý chung cư không thể đứng trên pháp luật được.
Luật quy định rất rõ cơ quan nào mới có quyền phạt, phạt bao nhiêu, biên lai phạt thế nào, chứ không thể nói chung chung thế được”.
Bạn đọc HNguyen đặt vấn đề: “Nếu có thỏa ước chung được hội nghị nhà chung cư thông qua thì ban quản lý có quyền xử phạt cư dân vi phạm không? Ban quản lý không có thẩm quyền xử phạt, mà việc xử phạt là do UBND phường có đúng hay không?”.
“Ở chung cư chỉ có chế tài bằng cách cắt nước sinh hoạt. Chứ có cư dân không tuân thủ quy định chung, xâm phạm quyền lợi chung thì chế tài bằng gì?” – tài khoản S1 lên tiếng.
Tranh luận lại, bạn đọc Trung N có ý kiến: “Tôi không ủng hộ việc nuôi chó mèo trong chung cư, nhưng cũng không đồng ý việc cắt nước khi cư dân vi phạm quy định của ban quản lý. Vì nước sinh hoạt là của Nhà nước, cư dân trả tiền cho cơ quan chức năng, ban quản lý chỉ là thu hộ”.
Độc giả Cao Minh lưu ý khi phạt hành chính, cắt nước thì ban quản lý chung cư cần tuân thủ pháp luật.
Việc cung cấp nước, điện thường là có hợp đồng giữa người dân với công ty cấp nước, cấp điện. Ban quản lý chung cư chỉ thu hộ thôi, không có quyền cắt, vì chủ nhà có vi phạm hợp đồng cung cấp điện, nước đâu.