GS.TS Võ Văn Sen – nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho rằng trong công bố bài báo khoa học có nhiều hành vi khá nhạy cảm nhưng nằm ngoài các quy định của pháp luật hay hành chính.
GS.TS Võ Văn Sen (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM)
Đặt dấu hỏi với số lượng bất thường
Chẳng hạn, việc hai nhà khoa học đứng tên chung với nhau nhiều một cách bất thường, hay một nhà khoa học xuất hiện trên rất nhiều mảng đề tài, lĩnh vực nghiên cứu. Ngay cả những hành vi như mời một người không có đóng góp gì cùng đứng tên trên bài báo khoa học cũng là quyền cá nhân của tác giả.
Theo GS.TS Võ Văn Sen, nhìn chung hiện không thể cấm những hành vi này, tuy nhiên có thể áp dụng một bộ lọc là đánh giá mức độ uy tín. Ông Sen giải thích với những người xuất hiện nhiều bất thường về cả số lượng lẫn lĩnh vực, các nhà xuất bản uy tín có thể đặt dấu hỏi hoặc thậm chí từ chối nhận bài, hợp tác.
Tương tự, trường đại học nếu biết một nhà khoa học nằm trong một “đường dây” xuất bản bài báo, dù về mặt luật pháp có thể không sai nhưng trường có thể đánh giá thấp uy tín của họ. Từ đó, họ sẽ không được mời vào các hội thảo khoa học, tham gia nghiên cứu hay giảng dạy.
“Những vấn đề có phần tế nhị trong việc công bố các nghiên cứu khoa học trước mắt sẽ không thể được giải quyết bằng pháp luật. Biện pháp khả thi nhất là đánh giá uy tín của những nhà khoa học từ các trường đại học, tổ chức khoa học hay các nhà xuất bản.
Từ chối các bài báo khoa học, nhà khoa học không uy tín cũng là cách trường đại học, tổ chức khoa học và các nhà xuất bản bảo vệ uy tín của mình”, ông Sen nói.
Tạp chí uy tín chọn phản biện rất khắt khe
GS.TS Ngô Quốc Hưng – phó viện trưởng Viện kỹ thuật, Trường đại học Công nghệ TP.HCM – cho rằng một trong những điều đáng nói ở đây là quy trình xét duyệt bài báo khoa học trên Frontiers in Energy Research tương đối lỏng lẻo.
Theo ông Hưng, dù tác giả có thể đề xuất người phản biện đánh giá bản thảo, tuy nhiên quyết định lựa chọn cuối cùng vẫn thuộc về phía nhà xuất bản. Để những người từng có mối quan hệ lợi ích với nhau vào vai trò phản biện, sau đó cho xuất bản bài báo khoa học rồi lại gỡ bỏ vì phát hiện dấu hiệu mâu thuẫn lợi ích, cho thấy nhà xuất bản làm việc có phần thiếu chuyên nghiệp.
Theo GS.TS Ngô Quốc Hưng, các tạp chí uy tín đều lựa chọn người phản biện rất khắt khe. Những người từng cộng tác hoặc từng đứng tên chung trên các bài báo khoa học trước đó sẽ không được là người phản biện của nhau.
Một số nhà xuất bản uy tín cũng không cho phép những người có cùng quốc tịch với tác giả vào các vị trí phản biện hay biên tập. Nhiều tạp chí không công khai danh tính của người phản biện để đảm bảo tính khách quan.
Một tiến sĩ người Việt đang công tác tại ĐH Melbourne (Úc) cho rằng nên có những đánh giá để xem các bài báo xuất hiện trên những tạp chí “săn mồi” có chất lượng ra sao, đặc biệt khi các bài báo ấy là một phần kết quả nghiên cứu được trường đại học hay nhà nước chi trả kinh phí.
“Điều quan trọng nhất mà nhiều người quan tâm là chất lượng của các nghiên cứu. Nếu một nghiên cứu tốn quá nhiều rồi sau cùng chỉ để đăng tải các tạp chí kém chất lượng là khó chấp nhận” – vị này nói.
Hơn 10.000 bài báo khoa học bị rút hoặc hủy bỏ trong 1 năm
Năm 2023, Nhà xuất bản Frontiers đã phải rút lại 38 bài báo liên quan đến hành vi “mua bán quyền tác giả”, trong đó nơi các tác giả bán quyền đồng tác giả cho những người không thực sự tham gia vào nghiên cứu. Vụ bê bối này buộc Frontiers phải cập nhật các chính sách về việc thay đổi danh sách tác giả sau khi bài báo đã được chấp nhận.
Năm 2023 cũng ghi nhận kỷ lục mới trong ngành xuất bản khoa học. Theo Nature, hơn 10.000 bài báo bị các nhà xuất bản trên thế giới rút lại hoặc hủy bỏ chỉ trong một năm, do sự gia tăng của các hành vi gian lận như mua bán quyền tác giả.
Saudi Arabia, Pakistan, Nga và Trung Quốc có tỉ lệ bài báo khoa học bị rút lại cao nhất trong 20 năm trở lại đây.