Lại thêm một vụ tai nạn nghiêm trọng từ ‘trên trời rơi xuống’ làm hai người chết, ba người bị thương ở trung tâm TP.HCM. Thủ phạm là từ cây xanh tét cành, gãy nhánh trong công viên Tao Đàn (phường Bến Thành, quận 1).
Ngay sau vụ tai nạn, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cùng Bí thư Quận ủy quận 1 Dương Anh Đức đã đến thăm hỏi các nạn nhân đang được chăm sóc điều trị tại bệnh viện.
Ngay sau dó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có văn bản khẩn yêu cầu kiểm tra toàn diện cây xanh sau sự cố tại công viên Tao Đàn – nơi có rất nhiều cây cổ thụ.
“Cây đang tươi xanh, không ngờ gãy cành”
Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (thuộc Sở Xây dựng), tai nạn đáng tiếc xảy ra khoảng 7h ngày 9-8 trong khuôn viên công viên Tao Đàn – nơi người dân thường tập thể dục buổi sáng.
Nhánh cây bị gãy rơi xuống khiến hai người chết và ba người bị thương là cây dầu phân loại 3 (cây có kích thước lớn) rơi từ độ cao khoảng 25m, chu vi nhánh khoảng 1,2m, dài khoảng 10m. Có điểm chung các nạn nhân đều là người cao tuổi, từ 62 đến 70 tuổi, cùng ngụ tại quận 1. Trong ba người bị thương có hai người bị lún hộp sọ và gãy trật cột sống.
Là người may mắn thoát chết trong vụ tai nạn, bà Đào Huyền (50 tuổi, làm nghề kinh doanh quần áo gần công viên Tao Đàn) không khỏi bàng hoàng bởi thường ngày bà vẫn đứng ngay dưới gốc cây có cành gãy để tập thể dục.
“Chỗ gốc cây đó ngày nào tôi cũng đứng nhảy tập thể dục. Mọi lần tập xong về mở cửa hàng là 7h, nhưng hôm nay 6h30 tôi về để đi chợ. Vừa về tới nhà nghe cái rầm, tưởng đụng xe nào ngờ chạy vào công viên mới thấy người nằm la liệt” – bà Huyền kể.
Theo báo cáo ban đầu, cây xanh trên dù xanh tốt nhưng có khiếm khuyết bên trong không thể hiện ra ngoài. Cũng từ sự cố đáng tiếc ở công viên Tao Đàn, ông Phan Văn Mãi chỉ đạo kiểm tra toàn diện về khả năng đảm bảo an toàn của hệ thống cây xanh công cộng, xử lý kịp thời với những trường hợp cây xanh có nguy cơ gãy đổ.
Khó phát hiện khiếm khuyết từ “siêu âm”
Sự cố cây xanh bị ngã đổ, gãy nhánh đè chết người ở TP.HCM không phải hiếm. Vấn đề làm sao nhận biết cây xanh “có vấn đề” để chặt bỏ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân? Phương án sử dụng máy “siêu âm” phát hiện khiếm khuyết cây xanh có phải là giải pháp khả thi?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cho biết trước đây TP có thí điểm máy “siêu âm” dùng bước sóng để phát hiện các cây xanh bị bọng, rỗng bên trong. Máy này cũng đo được dòng nhựa cây từ rễ lên các cành lá. Đối với những cây yếu, dòng nhựa này sẽ được lưu chuyển chậm và kém hơn cây khỏe mạnh.
Tuy vậy, máy “siêu âm” này nhập từ nước ngoài, không tương thích với hệ thống cây xanh tại TP.HCM. “Máy này chưa hiệu quả, không phát hiện được toàn bộ các khiếm khuyết mà chỉ phát hiện thân cây hư hỏng, mối mọt. Đặc biệt là không thể phát hiện hư hại của từng cành nên TP.HCM vẫn đang tìm phương án tối ưu nhất”, vị này cho hay.
Còn đối với việc rà soát cắt tỉa cây, vị này cho biết các cây có nhánh vươn có thể gây nguy hiểm vẫn được cắt tỉa gọn gàng thường xuyên.
“Đây là sự cố không ai mong muốn, dù rà soát thường xuyên nhưng có những khiếm khuyết bên trong cây xanh khó phát hiện được.
Chúng tôi nhận lỗi và xin lỗi gia đình các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi sự cố cây xanh bị tét trên và toàn thể người dân TP.HCM” – vị đại diện trung tâm phụ trách quản lý cây xanh của TP.HCM chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Thi, khoa sinh học và công nghệ sinh học Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), cũng nhận định rất khó để phát hiện khiếm khuyết của cây dầu bị gãy nhánh tại công viên Tao Đàn.
Theo bà, ở Singapore lượng cây xanh cũng tương đương TP.HCM nhưng máy móc phục vụ quản lý, chăm sóc rất nhiều. Ngay như máy khoan phát hiện mục rỗng họ cũng có hàng trăm cái, còn TP.HCM chỉ có một cái, chưa kể máy siêu âm cũng hạn chế.
“Việc phát hiện khiếm khuyết ở thân, rễ cây đã khó, còn tới chi tiết từng cành càng khó hơn. Tôi nghĩ TP.HCM nên tìm hiểu đầu tư các thiết bị chăm sóc, quản lý, phát hiện hư hỏng cây xanh mới hạn chế được tình trạng tai nạn do gây xanh gây ra”, bà Thi nói.
Hỗ trợ mỗi nạn nhân 10 triệu đồng
Sau sự cố đáng tiếc, Quận ủy và UBND quận 1 quyết định hỗ trợ khẩn cấp ban đầu 10 triệu đồng/người, gồm cả nạn nhân tử vong và bị thương.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 1 và các đoàn thể đang tiếp tục huy động nguồn lực để hỗ trợ thêm cho các nạn nhân và gia đình. UBND phường Bến Thành cũng đang phối hợp gia đình có người mất lo hậu sự chu đáo.
Nhiều sự cố chết người từ cây xanh
Ngày 26-5-2020, cây bàng ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3) bật gốc khiến 1 học sinh tử vong, 12 em khác bị thương.
Ngày 13-6-2020, một cây xanh trước địa chỉ 202 Tô Hiến Thành (phường 13, quận 10) bất ngờ tét nhánh đè chết một người đàn ông chạy xe máy.
Ngày 24-9-2020, cây xanh bật gốc trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) đè chết 1 người.
Ngày 22-8-2023, cây xanh trên đường 6D (phường Phước Bình, Thủ Đức) bật gốc đè chết 1 người đàn ông trú mưa dưới gốc cây.
Ngày 3-8-2024, cây xanh lớn tại giao lộ Lý Chính Thắng – Trương Định (quận 3) bị bật gốc ngã đổ khiến người đi đường bị thương.
Cần định kỳ “khám bệnh” cho cây xanh
Thông tin vụ gãy nhánh cây ở công viên Tao Đàn (TP.HCM) khiến hai người chết, ba người bị thương (Tuổi Trẻ Online ngày 9-8) nhận được nhiều chia sẻ từ bạn đọc.
“Quá đau lòng! Tôi thường dẫn con ra đây chơi. Hy vọng đơn vị phụ trách thường xuyên cắt tỉa cành cây có dấu hiệu gãy đổ, hư hỏng để không xảy ra tai nạn như trên nữa”, bạn đọc Lê Tuấn Kiệt ý kiến.
“Những cây cổ thụ to và cao có nhiều cành mục, nhưng khi gãy rơi xuống không có gì cản sẽ có lực rất lớn, rất nguy hiểm”, bạn đọc Phan Le Phu viết.
Bạn đọc Thống SG đề xuất: “Công ty cây xanh cần định kỳ “khám bệnh”, đánh giá rủi ro để tìm ra những cây tuy bề ngoài xanh tốt nhưng đã bị sâu bệnh, rỗng ruột, đặc biệt những cây trong khu vực hay có người qua lại”. Còn bạn đọc có tài khoản than****@gmail.com cho rằng có được cây xanh cần kiểm tra thường xuyên, phát hiện và có hướng “điều trị” ngay.
Theo bạn đọc Phạm Sanh, “nên áp dụng các công nghệ thiết bị hiện đại chăm sóc chẩn đoán tình trạng cây xanh đô thị như nhiều nước”. Cùng quan điểm này, bạn đọc Minh Nhân gợi ý: “Cần thêm máy dò phát hiện rỗng ruột thân cây cho đơn vị quản lý cây xanh TP, phải thường xuyên đi dò để phát hiện kịp thời và ngăn chặn hiểm họa”.