Chàng trai khởi nghiệp với tiểu cảnh nhà miền Tây gây thương nhớ

Khánh và mô hình nhà miền Tây được anh chế tác – Ảnh: NVCC

Chủ nhân đôi tay tài hoa ấy chính là anh Võ Văn Khánh (23 tuổi, xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre). Lớn lên nơi miền sông nước, gia đình hành nghề đi biển nên hình ảnh xuồng ghe, bến sông, nhà sàn… đã in đậm tâm trí Khánh từ bé. Những lúc rảnh rỗi, cậu thường lấy bẹ dừa nước làm thuyền bè thả trôi sông.

Công việc hiện giúp tôi không chỉ thỏa đam mê mà còn thu nhập ổn định. Nhưng mở rộng sản xuất thì không mấy dễ dàng vì khó tìm người cùng đam mê. Mà thiếu đam mê thì khó tạo ra sản phẩm xứng đáng với sự mong đợi của khách.

VÕ VĂN KHÁNH

Khởi nghiệp từ sự tình cờ

Trải qua đại dịch, những chuyến đi biển của Khánh cùng gia đình ngày càng ít rồi ngưng hẳn. Quanh quẩn ở nhà, Khánh nảy ra ý định làm mô hình căn nhà trên sông cho vui.

“Chân đi mà phải ở nhà suốt mùa dịch, tôi bứt rứt lắm nên tìm gì đó làm cho khuây khỏa. Vậy mà khi bắt tay làm, tôi lại mê đến quên ăn quên ngủ”, anh nhớ lại.

Lấy ý tưởng từ chính ngôi nhà của ngoại mà anh ở để làm mô hình đầu tiên. Anh cắt những miếng gỗ vụn và bìa các tông ghép thành căn nhà nhỏ rồi sơn màu cho thật giống. Chàng trai trẻ chụp ảnh đưa lên mạng cho vui, không ngờ được nhiều người yêu thích, khen giống thật. Nhiều yêu cầu đặt hàng được nhắn đến anh. 

“Lúc đầu tôi cũng lo vì chỉ làm cho vui. Nhưng khách tin tưởng, khó lòng từ chối nên tôi liều nhận làm thử”, anh chia sẻ.

Vật liệu Khánh chế tác mô hình nhà miền Tây từ những thứ dễ tìm như bìa các tông, que kem, keo dán, bình sơn xịt, màu vẽ… Từ ý tưởng ban đầu, Khánh đo đạc thiết kế mô hình theo tỉ lệ phù hợp; tiếp theo là cắt ghép khung nhà, lót nền, dựng vách, làm cửa, lợp mái, sắp xếp vật dụng. Phần mái tôn mô hình được anh tái hiện chân thật bằng cách dùng lớp gợn sóng phần giữa của bìa các tông. Khánh còn tỉ mỉ chế tác những vật dụng nhỏ như lu nước, chậu cây, bàn ghế, nồi niêu…

“Từng ô cửa, bàn ghế, lu khạp, trái bí, trái bầu, vật nuôi, quần áo, cây cảnh… đều được tôi chăm chút làm thủ công. Bởi chúng làm nên nét đặc trưng nhà miền sông nước”, anh cho biết. 

Để mô hình có hồn, Khánh tốn nhiều thời gian lựa chọn, tìm tòi và pha màu sắc thật giống. Cũng là gỗ nhưng màu chiếc xuồng ngâm lâu trong nước sẽ khác màu gỗ hàng rào. Tấm tôn lợp mái nhà có màu gỉ sét nhiều hơn tôn dựng làm vách.

Với mô hình nhỏ, khoảng 30cm mỗi chiều và yêu cầu không quá đặc biệt thì anh cần vài ngày hoàn thiện. Còn mô hình lớn kích thước 1m mỗi chiều, anh phải mất vài tháng mới có thể giao hàng.

“Mỗi mô hình là tác phẩm nghệ thuật nên tôi rất cần cảm xúc để cho ra đời sản phẩm ưng ý. Không thể làm qua loa, chạy số lượng mà đánh mất cái hồn, cái đẹp của những ngôi nhà miền Tây”, anh giải thích.

Đưa tiểu cảnh nhà miền Tây ra thế giới - Ảnh 2.

Những ngôi nhà bên sông nhìn như thật

Đưa hình ảnh miền Tây đến muôn phương

Khánh nhận đơn đặt hàng từ các tỉnh thành trong cả nước. Những đứa con tinh thần của chàng trai trẻ thường được trưng bày nơi làm việc, phòng khách, làm tiểu cảnh, trang trí hồ cá… Đến nay anh đã có hàng chục mẫu nhà cửa, đời sống người miền Tây cùng hàng trăm sản phẩm khác cung cấp cho thị trường.

Nhiều người chọn mô hình nhà miền Tây vì sự độc đáo, khác biệt so với nơi họ sinh sống. Còn người sinh miệt sông nước lại thích thú vì bắt gặp hình ảnh quá đỗi gần gũi, thân thương. Trong khi đó, người Việt xa quê thì mua mô hình của Khánh nhằm sống lại những ký ức quê hương.

“Tôi luôn đặt trọn tâm huyết, đã làm thì phải cố gắng thật giống. Từ hình ảnh, màu sắc cho đến bài trí từng chi tiết sao phải đẹp mắt, có hồn. Ngay chiếc xuồng chỉ lớn cỡ hai ngón tay thôi cũng được lắp ghép trên 20 chi tiết khác nhau”, anh tâm đắc.

Không chỉ chế tác tiểu cảnh miền Tây, Khánh còn được nhiều người nhờ tái hiện những cảnh nhà trong ký ức họ. Những người đã định cư ở nước ngoài nhưng vẫn hoài niệm căn nhà tuổi thơ. Số khác là người dù đang sống trong ngôi nhà hiện đại nhưng vẫn nhớ về mái lá mộc mạc thuở còn bên mẹ cha. 

Khánh cho hay: “Khách hàng thường hay gửi ảnh căn nhà họ muốn. Nếu không có ảnh, họ có thể vẽ phác thảo hoặc miêu tả để tôi tái hiện. Công phu nhất là pha màu, tôi luôn cố gắng pha trộn thật giống nguyên bản để thể hiện cái hồn và sự chân thật”.

Chưa trải qua bất kỳ trường lớp mỹ thuật nào, Khánh vẫn có thể làm ra những sản phẩm sinh động và giống bản gốc. Có lẽ không chỉ nhờ sự tinh tế, đôi bàn tay khéo léo mà còn do cái tình anh dành cho miền đất này luôn tràn đầy như dòng sông đỏ nặng phù sa.

Tháng 8-2023, mô hình nhà sàn miền Tây do Khánh chế tác được Cục Bản quyền tác giả (thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch) cấp giấy chứng nhận trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đó là niềm vui và động lực để Khánh tiếp tục công việc mình yêu thích.

Thông qua các kênh TikTok, YouTube, Zalo, Facebook, Instagram, anh tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Ngoài ra anh còn tham gia nhóm “Mô hình tiểu cảnh miền Tây” để chia sẻ với những ai chung đam mê.

Đặt hết cái tâm, gửi trọn cái tình vào mỗi chi tiết, trong từng nhân vật, Khánh vẫn không ngừng cải tiến, thử nghiệm nhiều cách để những mô hình nhà miền Tây càng trở nên sắc sảo hơn. Anh đang ấp ủ ý tưởng sáng tạo thêm nhiều tiểu cảnh đặc trưng, những cảnh vật đậm chất sông nước để giới thiệu với mọi người.

Đưa tiểu cảnh nhà miền Tây ra thế giới - Ảnh 3.

Mô hình xóm quê trên sông nước của Khánh

Đưa tiểu cảnh nhà miền Tây ra thế giới - Ảnh 4.

Mô hình buổi tối thanh bình ở xóm quê miền Tây

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *