Đó là những lời chị Hồng Thắm (40 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) than thở về tình trạng con gái về tới nhà không giao tiếp gì với gia đình.
Ba muốn hất đổ mâm cơm vì con im im, không giao tiếp
Câu chuyện của chị Thắm không phải là hiếm. Nhiều gia đình có con là học sinh, sinh viên, cho đến những bạn trẻ đã đi làm nhưng về nhà thường ít giao tiếp với ai. Vào phòng là các bạn cắm cúi chat chit, lướt mạng.
Phiền muộn, chị Thắm tâm sự: “Con gái tôi đang học lớp 12, gần như không nói chuyện gì với gia đình. Về đến nhà là con nằm bấm điện thoại, má dọn cơm sẵn con cũng chẳng xuống ăn”.
Ban đầu, chị không muốn con dùng điện thoại sớm. Nhưng việc học online trong mùa dịch những năm cuối THCS khiến vợ chồng chị buộc phải sắm điện thoại cho con tiện học hành, lướt mạng tìm tài liệu.
Sau đó, khi con lên THPT, việc dùng điện thoại liên lạc và nhận thông báo từ giáo viên, bạn bè qua các nhóm Zalo trở thành nhu cầu thiết yếu. Nhưng từ đó, vợ chồng chị nhận thấy con dần rời xa gia đình.
Nhiều lần, chị thấy chán khi có gì đó cần nhắn tin, dặn dò con.
“Ngay cả nhắn tin hỏi con đi học về sớm thì cắm nồi cơm, con cũng chẳng trả lời. Cùng lắm, con thả tim, nhấn nút like cho qua chuyện. Con cũng chẳng bao giờ hỏi lại, hoặc nếu có thắc mắc gì về công chuyện nhà cũng không hỏi”, chị thở dài.
Tuy nhiên, vì kết quả học tập của con vẫn tốt nên vợ chồng chị không có cớ để tịch thu hoặc bắt con hạn chế xài điện thoại.
Con có phụ việc nhà, cũng không tỏ ra chống đối ba mẹ, nên chị cũng không biết làm sao để con tăng sự kết nối, giao tiếp với gia đình.
Giao tiếp bạn bè vui hơn nhiều, trong khi ba mẹ hay la mắng, phán xét
Dù thương ba mẹ và các chị nhưng T.K. (21 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) về tới nhà là như người ít nói, sống nội tâm. Là sinh viên, lúc đi học và đi chơi với bạn bè, K. như con chim ríu rít, hăng hái tham gia các chương trình trong lớp.
Khi chị gái hỏi chuyện thi cử, làm thêm, K. ngồi cắm mặt vào máy tính, không để ý. Đến khi chị nạt, K. mới trả lời nhưng với điệu bộ bực bội.
Tương tự, khi mẹ ở quê gọi video cho cô để hỏi thăm, lúc vui thì cô chào mẹ, hỏi chuyện cơm nước, mưa gió. Lúc “khó ở”, K. ngồi lì, dù mẹ hỏi vọng qua loa điện thoại là “con K. đâu” thì cô vẫn không muốn trả lời, và lấy cớ đang học bài.
Ngược lại, khi giao tiếp, chat với bạn bè, cô nói đủ thứ chuyện, thảy những nhãn dán (sticker) hài hước. Những khi chị gái không ở nhà, cô gọi video tám với hội bạn.
Nhân lúc đi học về hoặc làm bài nhóm, cô sẽ tranh thủ tụ tập chứ không thích về sớm.
Thấy tin nhắn của mẹ, K. thường trả lời cho có. Hoặc cô gửi những biểu tượng có chữ “Dạ”, “Ok”, “Hihi”. Nhiều lần, chị gái K. khuyên không được thì mắng mỏ, nhưng K. vẫn y vậy.
Chị gái cô cho biết nói hoài nhưng em gái không thay đổi. Chị còn bị mang tiếng phán xét.
“Nó nói là mình hay chửi, hở ra là chửi. Mà nếu mìnhim lặng thì không khí rất căng thẳng, nặng nề. Nói chuyện chỉ có mình tôi hăng hái”, chị nói.
Kể cả những chuyện như mua đồ gì cho mẹ dịp Tết, khi được chị hỏi, K. cũng nói “Mua gì cũng được mà, em có biết đâu”.
Giao tiếp là cách thức hiệu quả để chia sẻ, thấu hiểu trong gia đình. Thế nhưng nhiều bạn trẻ ngày nay không chỉ lười nói chuyện trực tiếp, lười trò chuyện điện thoại, mà ngay cả chat Zalo, Facebook với người thân cũng lười.
Trong khi, cha mẹ, anh chị muốn biết tình hình của con em mình để giúp đỡ, can thiệp khi có vấn đề gì đó. Hoặc đơn giản muốn biết những sở thích, mong muốn của con nhưng đáp lại chỉ là những lời vâng dạ, “sao cũng được”, “tùy ba”, “mẹ mua gì cũng được”… khiến phụ huynh vừa buồn, vừa bực.
Mỗi ngày con giao tiếp không quá 10 câu
Anh Phương Vũ (38 tuổi, sống tại Long An) bày tỏ sự lo lắng khi con gái học lớp 7 ngày càng ít nói và xa cách.
“Mỗi ngày con nói với cha mẹ không quá 10 câu”, anh chia sẻ. Thay vì trò chuyện, con gái anh dành phần lớn thời gian nghịch điện thoại, say mê xem các video trên kênh TikTok, Facebook.
Anh kể vào năm 2021 khi dịch COVID-19 buộc các trường chuyển sang học trực tuyến, vợ chồng anh mua điện thoại để con có thiết bị học online. Hết dịch, trở lại học bình thường, hai vợ chồng định “tịch thu” điện thoại, nhưng con hứa chỉ dùng 30 phút mỗi ngày sau khi xong bài tập.
Từ lớp 4 đến nay, con đạt danh hiệu học sinh giỏi, nhưng chiếc điện thoại dường như lấy đi khả năng giao tiếp của con.
Trong bữa cơm, con trả lời nhát gừng khi được hỏi. Con không nói những câu dài, thậm chí không thể duy trì cuộc trò chuyện kéo dài hơn vài câu. “Tôi có cảm giác con không thể giao tiếp hai, ba câu trọn vẹn”, anh buồn hiu.
Bạn có gặp tình cảnh tương tự không? Giải pháp nào để con cái chịu nói chuyện với gia đình chứ không giao tiếp ‘không cần tiếng nói” kiểu trên mạng?