Ngày 10-1, trong nhóm review du lịch Tà Xùa trên Facebook có bài đăng với nội dung: “Buồn quá mọi người ạ. Mình về nhà được hai hôm, hoa của mình bị giẫm hết như này. Mình mất bao nhiêu công sức, bao nhiêu thời gian chăm sóc để cho các bạn được một bức ảnh đẹp mà mọi người lại giẫm hết hoa của mình. Thật sự rất buồn”.
Theo chị Vừ Thị Pằng – chủ vườn hoa, trồng bất cứ loại hoa nào tại điểm cây cô đơn Tà Xùa cũng khó bởi trên núi không có nước. Chị Pằng phải mua xăng chạy máy phát điện để bơm nước tưới hoa.
Sau hơn 2 tháng gieo hạt, chăm bón, những luống hoa cánh bướm mới bắt đầu bung nở.
“Trước ở đây chỉ có duy nhất cây cô đơn, mình trồng thêm hoa với mong muốn các chị em thích chụp ảnh có thêm góc check-in. Đó là tâm huyết của mình. Mọi người giẫm lên hoa để chụp ảnh khiến mình rất buồn.
Tuy nhiên không phải khách nào cũng vậy, nhưng đây sẽ là bài học kinh nghiệm để mình có cách bảo vệ vườn hoa những lần sau”, chị Pằng bộc bạch.
Dưới bài đăng của chị Pằng, cư dân mạng bày tỏ sự tiếc nuối, lên án hành vi thiếu ý thức khi đi tham quan, du lịch của một bộ phận du khách khiến vườn hoa bị giập nát.
Cũng có người bày cách chủ vườn nên bố trí thêm các biển thông báo “Cấm không được hái hoa, bẻ hoa, giẫm lên hoa để chụp ảnh”, hay có biện pháp phạt tiền đối với các khách không tuân thủ.
Từng đến Tà Xùa nhiều lần, bạn Ngọc Anh rất thích cảnh sắc hùng vĩ của sống lưng khủng long Tà Xùa và đời sống văn hóa của người dân bản địa.
“Mỗi du khách nên có ý thức, trách nhiệm bảo vệ cảnh quan khi đi du lịch. Không phải bạn bỏ 10.000 đồng mua vé vào chụp ảnh là có quyền giẫm lên hoa như vậy.
Nhìn thảm hoa cánh bướm hồng rực giữa sắc xanh của núi rừng rất đẹp mắt, mình rất tiếc khi chưa kịp đến để check-in thì vườn hoa đã bị phá hỏng như vậy”, Ngọc Anh chia sẻ.
Trước đó, những câu chuyện về việc xả rác bừa bãi trên các cung đường trekking cũng được nhiều hướng dẫn viên du lịch bản địa phản ánh, kêu gọi du khách nâng cao ý thức khi đi trải nghiệm, khám phá.