Trong hành trình “Lần theo 10.000km hàng Trung Quốc vào Việt Nam”, bên cạnh việc tìm hiểu hệ thống logistics bài bản của đất nước tỉ dân, chúng tôi còn tiếp cận được các nguồn hàng giá rẻ và siêu rẻ.
Giá gốc siêu rẻ, về Việt Nam có thể bán tiền trăm
Ở vùng biên giới Bằng Tường (giáp tỉnh Lạng Sơn), anh C. (người Trung Quốc) dẫn chúng tôi dạo quanh hàng loạt dãy kệ lớn, trưng bày đa dạng mặt hàng phục vụ đời sống hằng ngày như nồi cơm điện, quạt điện, ấm đun nước, vali, quần áo, bánh kẹo…
Lấy ví dụ bịch khăn giấy, anh cho biết giá gốc khoảng 2.700 đồng, bán vào Việt Nam có thể tăng giá gấp bốn lần.
Theo thông tin từ giới kinh doanh đồ Trung Quốc, các mặt hàng như bình nước giữ nhiệt, chén bát sứ, muỗng đũa, dao kéo, khăn lau, sọt rác, xô chậu nhựa, ly thủy tinh, thảm… có giá sỉ chỉ từ 2.800 – 6.700 đồng/sản phẩm.
Trong khi đó, vừa đặt chân tới Hà Khẩu (giáp tỉnh Lào Cai), nhiều người lập tức ấn tượng với khu “Phố đi bộ tiêu dùng an tâm” – chữ bảng hiệu viết bằng tiếng Việt, bao quanh bởi hàng trăm cửa tiệm.
Trong đó có những cửa hàng bán lẻ đồng giá 3 tệ (10.500 đồng) và đồng giá 10 tệ (35.000 đồng) cho đồ gia dụng, phụ kiện tóc nữ, đồ chơi trẻ em, đồ dùng học tập… Mua sỉ giá rẻ hơn, để về bán kiếm lời tốt.
Song song đó, các mặt hàng như túi Louis Vuitton, áo Gucci… cũng được chào bán với giá vài trăm ngàn đồng, kiểu dáng “like auth” – giống thật, không phải chính hãng.
Đối với người mua hàng trên sàn Shopee, kho Nghĩa Ô – Yi Wu (Chiết Giang) là một trong những địa điểm quen thuộc, hàng hóa được đi qua đây trước khi về Việt Nam.
Chuyên môi giới hàng Trung Quốc cho khách nhập sỉ, anh H. (người Việt) nhận xét “có thể tìm thấy mọi thứ mình cần” ở khu chợ Nghĩa Ô.
Theo đó, nhiều sản phẩm được cân ký để bán, với giá khoảng 70.000 đồng/kg. Chia ra mỗi chiếc mắt kính, chai nước hoa mini, kẹp tóc nữ… khoảng 2.000-3.500 đồng. Rẻ hơn, dép lê có giá chưa tới 9.000 đồng/kg. Đồ chơi trẻ em khoảng 30.000 đồng/kg…
Dân buôn sỉ hàng thời trang, quần áo giá bình dân thường tập trung tới khu chợ Shahe (Quảng Châu), quy tụ hàng ngàn gian hàng phức hợp và văn phòng thương mại lớn. “Sầm uất, đi hoa mắt chóng mặt luôn”, chị T. miêu tả khi nói về độ rộng lớn của nơi này.
Vô dãy hàng chuyên bán đồ thanh lý ở Quảng Châu, áo len nữ đa dạng kiểu dáng và màu sắc có giá chưa tới 5.500 đồng/áo. Trong khi quần áo jeans chỉ từ 15.000-20.000 đồng/sản phẩm. Về Việt Nam có thể đẩy giá cả trăm ngàn trở lên.
Khó cạnh tranh giá khi nhà bán hàng Trung Quốc đưa thẳng lên sàn thương mại điện tử
Những năm qua, nhiều người Việt tiếp cận nguồn hàng Trung Quốc giá rẻ, nhập số lượng lớn từ vài trăm triệu trở lên, mang về bán lại ở các chợ đầu mối như Chợ Lớn, chợ Kim Biên (TP.HCM), chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp (Hà Nội)…
Sau đó giới buôn lẻ tìm đến, nhập từ vài triệu đến vài chục triệu, về bán ở các cửa hàng lớn nhỏ trên khắp cả nước, và bán trên cả sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường trở nên khốc liệt hơn. Trong xu hướng mua hàng online, trên các sàn Shopee, TikTok, Lazada, Tiki…, nhà bán hàng Việt không chỉ cạnh tranh với những người cùng nhập hàng Trung Quốc về bán lại như mình, mà còn cạnh tranh với cả những người Trung Quốc lấy tận gốc, bán tận ngọn.
Như vậy riêng về giá cả, nhà bán hàng Trung Quốc đã “ăn đứt”. Chưa kể sự bài bản về hệ thống logistics, “bao” phí vận chuyển, giao nhanh.
Trên thực tế, nhiều mặt hàng Trung Quốc có ưu điểm giá siêu rẻ, giao “thần tốc”. Một số sản phẩm chất lượng tương đối ổn.
Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng mua hàng online cũng băn khoăn về độ bền, tính an toàn cho sức khỏe (mỹ phẩm, thực phẩm…), khâu bảo hành và giải quyết khiếu nại.