Theo VASEP, liên tục trong 3 tháng trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng phi mã ở mức 3 con số. Đặc biệt chỉ trong tháng 6, giá trị xuất khẩu đạt gần 6 triệu USD, tăng gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Ngày 6-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP, cho hay trong nhóm các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp sang Hàn Quốc hiện đang tăng mạnh.
“Do kinh tế toàn cầu khó khăn, suy thoái, khiến người dân Hàn Quốc thắt chặt tiêu dùng hơn. Vì thế nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản có giá rẻ như cá ngừ đóng hộp tăng. Cá ngừ Việt Nam rẻ, giá cả phù hợp nên được xứ sở kim chi tăng mua từ năm 2023 đến nay”, bà Hà thông tin.
Hiện Hàn Quốc nhập khẩu chủ yếu nhóm cá ngừ chế biến và đóng hộp từ Việt Nam, chiếm tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó Hàn Quốc nhập khẩu chủ yếu thịt cá ngừ vằn hấp đông lạnh.
Đồng quan điểm, đại diện doanh nghiệp thủy sản ở TP Nha Trang nhấn mạnh xu hướng tiêu dùng thủy sản ở Hàn Quốc có sự thay đổi theo xu hướng giảm chi tiêu của người tiêu dùng.
“Đây là cơ hội để thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thủy sản có mức giá phù hợp. Trong lúc giá cước vận tải đi Mỹ, châu Âu vẫn tăng thì các thị trường có vị trí địa lý gần, nhu cầu tiêu thụ ổn định nên doanh nghiệp Việt chuyển hướng xuất khẩu đẩy mạnh vào thị trường này”, doanh nghiệp này nhấn mạnh.
Hàn Quốc vào top 10 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ Việt
Theo VASEP, lũy kế hơn nửa năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang Hàn Quốc đạt hơn 14 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ. Hàn Quốc trở thành 1 trong 10 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam. Hiện có khoảng có 15 doanh nghiệp Việt đang bán cá ngừ sang thị trường này.
Với dân số hơn 51 triệu người, hiện tại Hàn Quốc đang là thị trường tiềm năng đối với các nhà xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, với xu hướng tăng trưởng cao từ năm ngoái.
Còn từ nay đến cuối năm 2024, VASEP dự đoán xuất khẩu sản phẩm này khó duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay. Lý do: Nguồn cung cá ngừ vằn nguyên liệu trong nước sụt giảm, do quy định về kích cỡ tối thiểu của cá ngừ vằn cho phép khai thác hiện nay quy định trong nghị định 37 có những hạn chế cho doanh nghiệp.