Cách đây hơn 20 năm, tôi cũng trải qua những lo âu như nhiều vị phụ huynh khi có con thi vào lớp 10. Cả ông bà, gia đình và người thân đều lo lắng. Nhưng rồi cũng may mắn cháu học khá và thi được vào trường THPT gần nhà.
Lúc đó, nếu cháu không vào được lớp 10, có lẽ tôi cũng như nhiều phụ huynh khác khó tránh khỏi cơn nóng giận, có khi mắng mỏ các cháu, trách người nọ người kia… Giờ đây ngồi nghĩ lại những phản ứng như vậy không giúp được gì cho con, trái lại còn làm con nảy sinh tâm lý tiêu cực, chán nản. Và nhất là cảm giác thất bại sẽ ám ảnh, đi theo con suốt cuộc đời.
Nếu cha mẹ bình tĩnh, suy nghĩ thêm một chút thì có thể động viên, dẫn dắt con vượt qua những thách thức của lần thất bại đầu đời trên con đường học vấn. Nếu các con bị thất bại, cha mẹ nên nói với con điều đó không phải là kết thúc mà chính là một cơ hội để học hỏi và lớn lên.
Cha mẹ nói chuyện nhẹ nhàng để con tự chia sẻ về nguyên nhân của bản thân dẫn đến kết quả thi cử không như kỳ vọng. Học từ thất bại sẽ giúp con rèn luyện tính kiên nhẫn, kiên trì và không ngừng nỗ lực.
Hơn nữa, còn rất nhiều sự lựa chọn ở phía trước khi các con còn rất trẻ, tài năng ngoài việc thể hiện qua năng lực học vấn, còn rất nhiều năng khiếu ẩn mà các con cùng chính bản thân gia đình chưa biết được, nó sẽ bộc lộ ở giai đoạn nào đó của cuộc đời sau THCS ở các lĩnh vực khác về khoa học, nghệ thuật, thể thao…
Tìm ra con đường phù hợp với tài năng và sở thích của con như nhiều tấm gương học tập khác sẽ giúp các con có thêm động lực và thể hiện đam mê của mình, gạt bỏ những sĩ diện ở tuổi 15 để tiếp tục hành trình học hỏi.
Cha mẹ tuyệt đối đừng thể hiện mất lòng tin vào con cái. Niềm tin của cha mẹ vào con cái là nguồn động lực lớn, có giá trị lớn lao giúp con vượt qua mọi thử thách. Tin tưởng vào khả năng của con, đồng thời khích lệ con không ngừng cố gắng và nỗ lực. Đó chính là cách thể hiện sự yêu thương tốt nhất với con trẻ.
Một điều nữa cha mẹ cũng lưu ý là không nên so sánh con mình với bạn bè hoặc anh chị em khác trong gia đình. So sánh như vậy dễ khiến trẻ mất tự tin, dẫn đến tự ti và tạo nên áp lực không đáng có.
Như đã nói, mỗi đứa trẻ đều có khả năng và năng khiếu tiềm ẩn riêng, vì thế đừng bao giờ so sánh mà ngược lại, hãy động viên, giúp con bộc lộ tài năng, khuyến khích đam mê chính đáng, phát huy điểm mạnh trước tương lai đầy hứa hẹn của con cái mình.
Hãy trao cho con quyền được thất bại. Sự buồn bực trách mắng con cái không mang lại lợi lộc gì cho con và cho chính gia đình. Chỉ có thấu hiểu và yêu thương từ đó cho con những lời khuyên chân thành mới giúp con vượt qua thất bại, tránh được khủng hoảng tâm lý.