Phòng ‘Đọc và suy ngẫm’ được Trường THCS Bình Khánh (huyện Cần Giờ, TP.HCM) tận dụng từ không gian đọc sách của giáo viên. Nơi đây đặt 14 điều suy ngẫm về bạo lực học đường, vứt rác bừa bãi, gian lận trong thi cử, hút thuốc lá, nói tục, chửi thề… chỉ ra tác hại và hậu quả mà những hành động không tốt làm ảnh hưởng đến học sinh.
Cho học sinh cơ hội nhận thức lại
Những bạn vi phạm nội quy nhà trường sẽ đến để đọc tài liệu và suy ngẫm hành động của mình vào giờ ra chơi.
Nếu học sinh vi phạm lần đầu sẽ đến phòng đọc và suy ngẫm 3 buổi, tái phạm lần hai là 5 buổi và lần ba là 7 buổi.
Sau khi hoàn thành số buổi, các em sẽ làm bài thu hoạch với 3 câu hỏi “Nêu tác hại ít nhất 2 nội dung của lỗi các bạn làm? Nghĩ gì về công ơn cha mẹ, thầy cô dạy mình? Nêu ra biện pháp khắc phục lỗi vi phạm?”. Quản lý thư viện sẽ theo dõi và đánh giá bài thu hoạch của học sinh.
Thầy Nguyễn Văn Hải – quản lý thư viện Trường THCS Bình Khánh – nhận xét học sinh vi phạm có sự tích cực, chuyển biến tốt, bài thu hoạch của các em cũng chất lượng và chưa có tái phạm.
“Thường học sinh phạm lỗi hút thuốc lá, sử dụng điện thoại và đánh nhau… Các em đọc và suy ngẫm, nhận thấy được hậu quả. Trong đó, tôi thấy có những em làm bài thu hoạch rất dài và ghi nhiều tâm tư xúc động.
Học sinh lứa tuổi này đang trong giai đoạn phát triển, có những bạn mới phạm lỗi lần đầu, nên khi xây dựng mô hình này nhà trường cho học sinh cơ hội tự nhận thức lại” – thầy Hải nói.
Sau khi vi phạm do hút thuốc lá điện tử trong lớp, em L.V.T. (học sinh lớp 9) đã đến phòng đọc và suy ngẫm và rút ra cho bản thân nhiều kinh nghiệm.
“Em nhận thấy được tác hại của thuốc lá điện tử, và hứa sẽ không hút nữa. Em thấy nhà trường tạo cơ hội cho tụi em khắc phục và sữa lỗi, giúp bản thân em tích cực hơn trong học tập” – T. bộc bạch.
Em Q.T. (lớp 9) chia sẻ: “Em vi phạm nội quy do đánh nhau với bạn. Sau khi đọc và suy ngẫm, em nhận ra đánh bạn là không tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập. Nếu mình học không tốt thì gia đình sẽ buồn, do đó bản thân sẽ cố gắng hơn”.
Nơi suy ngẫm và học hỏi
Em Diệp Hy (học sinh lớp 6) chia sẻ: “Các bạn đến đây sẽ nhận biết những điều sai trái, những điều không nên làm. Ngoài các bạn phạm lỗi lên đọc và suy ngẫm thì học sinh bình thường như em cũng đến để đọc sách, nâng cao kiến thức”.
Thầy Trương Hữu Phước – hiệu trưởng Trường THCS Bình Khánh – đánh giá trong 9 lượt học sinh phải vào phòng suy ngẫm, đã có 3 em đạt được kết quả tốt.
“Chúng tôi nhận thấy đa số học sinh phạm lỗi rất thích giờ ra chơi, các em lợi dụng giờ này để chọc phá và làm những việc không đúng. Việc sử dụng giờ ra chơi để giáo dục các em giống như hình phạt, các em muốn được ra chơi thì phải ngoan lại.
Thay vì sử dụng biện pháp kỷ luật học sinh, việc cho các em tự suy ngẫm về lỗi, tự sửa chữa, tạo cơ hội cho các em làm lại từ đầu là hình thức giáo dục tốt nhất” – thầy Phước nói.
Thầy cũng cho biết mô hình này được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần giờ đồng tình. Dự kiến nhà trường sẽ xây dựng thêm những biển tuyên truyền treo ở các lớp. Đồng thời nếu thu về kết quả tích cực, nhà trường cũng sẽ giới thiệu mô hình đến các trường bạn để cùng giáo dục học sinh tốt hơn.