Ngày 10-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Sỹ Bá – chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long – cho biết từ năm 2023 đến nay, đơn vị chỉ trúng duy nhất một lô 30.000 tấn gạo xuất khẩu thông qua Posco (Hàn Quốc), và không trúng trực tiếp bất cứ lô hàng nào của Bulog.
Cụ thể, gói thầu 30.000 tấn này Tập đoàn Tân Long trúng với mức giá 620 USD/tấn. Thời điểm trúng thầu vào tháng 1-2024 (trước Tết), giao hàng từ 25-2 đến 15-3. Nhưng thực tế qua tháng 4 mới giao hàng do phía Bulog yêu cầu, lý do vì phía bên cảng Indonesia bị ùn tắc không dỡ hàng kịp. Sau khi giao hàng xong, tính ra lô này Tân Long có hiệu quả tốt.
“Tôi chỉ trúng 1 lô 30.000 tấn gạo thông qua một công ty của Hàn Quốc chứ tôi không trúng thầu gạo trực tiếp và cũng không biết Bulog là ai. Tôi thấy thông tin loạn cả lên mấy ngày nay nhưng tôi không liên quan gì đến Bulog”, ông Bá khẳng định.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng gạo xuất khẩu đạt 4,68 triệu tấn, tương ứng với giá trị kim ngạch 2,98 tỉ USD, tăng 10,4% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kỷ lục mới của xuất khẩu gạo Việt Nam.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 636 USD/tấn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023, là tín hiệu mừng khi xuất khẩu gạo không chỉ tăng về số lượng mà còn giá bán.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Indonesia có khả năng sẽ bất lợi trước việc Cơ quan hậu cần quốc gia – Bulog (Cơ quan được phân giao thu mua gạo thầu quốc tế của Chính phủ) và Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia bị một tổ chức dân sự People’s Democracy Study (SDR) khiếu kiện lên Ủy ban chống tham nhũng quốc gia – KPU.
Có 2 cáo buộc được tổ chức này đưa ra gồm: Thứ nhất nghi ngờ liên quan tới tham nhũng thông qua việc thổi phồng, cộng giá vào giá gạo nhập khẩu từ Việt Nam. Thứ hai, cáo buộc liên quan tới việc gạo nhập khẩu bị tồn ứ ở cảng Tanjung Priok (bị bốc dỡ chậm) khiến phát sinh chi phí phạt bốc dỡ chậm, làm tăng giá gạo.
Theo tính toán của tổ chức dân sự này, “tổn thất của nhà nước từ hành vi tham nhũng này có thể lên tới 2.000 tỉ Rupi. Tổn thất này được tính toán dựa trên chênh lệch giá chào bán của một công ty Việt Nam, mức giá chênh tới 82 USD/tấn. Nếu tỉ giá chỉ tính là 15.000 Rp/USD, mức chênh lệch là 180,4 triệu USD. Với số lượng gạo nhập khẩu là 2,2 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm 2024, thì con số chênh lệch là 2.000 tỉ Rupi”.
Giá chênh lệch mà tổ chức này đưa ra là tham chiếu giá chào của một công ty Việt Nam là Tập đoàn Tân Long, một trong những công ty được cho là đã tham gia vào quá trình cung ứng gạo nhập khẩu.