Cổ phiếu ngân hàng đỡ đà rơi chứng khoán
Mở cửa phiên giao dịch sáng 17-7, thị trường chứng khoán bật tăng nhẹ nhưng áp lực bán lớn dần và trên diện rộng. VN-Index sau đó quay đầu giảm gần 2 điểm, về mốc 1.279,77 điểm khi đóng phiên trưa.
Sang phiên chiều, áp lực bán lớn hơn khiến cả 3 sàn giao dịch có lúc ghi nhận hơn 650 cổ phiếu giảm điểm. Chỉ số đại diện sàn TP.HCM liên tục thay đổi với tần suất lớn trên bảng điện tử.
Nếu hơn 14h VN-Index khiến nhiều nhà đầu tư “hốt hoảng” khi mất gần 25 điểm, thì ít phút sau đà rơi giảm dần. Kết thúc ngày giao dịch đầy giằng co, kịch tính, chỉ số đại diện sàn TP.HCM giảm gần 13 điểm, về mốc 1.268 điểm.
Tổng giá trị giao dịch toàn bộ thị trường hôm nay tăng vọt lên mức 33.500 tỉ đồng. Lâu lắm nhà đầu tư chứng kiến một phiên thanh khoản được đẩy lên cao so với mức bình quân chỉ 15.000 – 16.000 tỉ đồng gần đây.
Điểm tích cực khác là khối ngoại đã ngừng động thái bán ròng, chuyển qua mua ròng khoảng 150 tỉ đồng. Trong đó FPT, MWG, TCB, CTG… là những cổ phiếu được khối ngoại mua nhiều nhất hôm nay.
Xét bình diện chung toàn thị trường, top 10 cổ phiếu có công lớn nhất trong việc hãm bớt đà rơi VN-Index hôm nay thì có tới 9 mã ngân hàng như BID của BIDV, TCB của Techcombank, MBB của MBBank, VCB của Vietcombank, ACB, CTG của Vietinbank, NAB của NamABank, STB của Sacombank và VIB.
Nhóm cổ phiếu “vua” là điểm sáng đỡ thị trường khi sắc xanh vẫn bao phủ gần như toàn ngành với khối lượng giao dịch tăng mạnh, mua chủ động lớn ở nhiều cổ phiếu.
Đây cũng là nhóm duy nhất trong 18 nhóm ngành hôm nay giữ được sắc xanh với mức tăng 1,11%. Trong khi 17/18 nhóm ngành còn lại đều giảm điểm. Trong đó ngành bất động sản giảm 3,22%, chứng khoán giảm 1,79%, công nghệ thông tin mất 3%…
Dù đón nhiều thông tin mang tính hỗ trợ, nhưng VN-Index vẫn tỏ ra “vất vả” khi lực bán vẫn áp đảo trong nhiều phiên gần đây.
Theo các chuyên gia, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong tháng 9 sẽ tác động tích cực tới hai nỗi lo lớn nhất của thị trường là tỉ giá và dịch chuyển dòng vốn.
Thêm nữa, GDP quý 2 tăng mức gần 7% cũng khiến nhiều nhà đầu tư tăng niềm tin vào triển vọng hồi phục nền kinh tế.
Tuy nhiên, trái ngược với nhiều dự đoán, VN-Index vừa xanh trở lại trong phiên hôm qua sau 3 phiên giảm liên tiếp thì hôm nay lại rơi gần 13 điểm. Nỗ lực để vượt vùng đỉnh 1.300 ngày càng khó khăn hơn.
6 nhiệm vụ lớn của ngành chứng khoán
Trong một diễn biến có liên quan tới thị trường, ngày 16-7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024
Tính đến cuối tháng 6-2024, chỉ số VN-Index đạt 1.245,32 điểm, tăng 10,2% so với cuối năm trước. Giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường cổ phiếu (HoSE, HNX, UPCoM) trong 6 tháng đạt 24.598 tỉ đồng/phiên, tăng +39,9% so với bình quân năm trước.
Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tại ngày 28-6-2024 đạt hơn 7 triệu tỉ đồng, tăng 19% so với cuối năm trước; tương đương 69,1% GDP ước tính năm 2023.
Số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư tiếp tục tăng trưởng, đạt hơn 8 triệu tài khoản vào cuối tháng 6-2024.
Tại hội nghị, bà Vũ Thị Chân Phương – chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – đề nghị các đơn vị chú trọng tới 6 mục tiêu trọng tâm của ngành này.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, trong đó tập trung triển khai chương trình hành động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Thứ hai, đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.
Thứ ba, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra để bảo đảm cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Thứ tư, tiếp tục tái cấu trúc các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để nâng cao năng lực hoạt động và an toàn tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Thứ năm, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn, đào tạo nhà đầu tư cá nhân.
Và thứ sáu, đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, tổ chức đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý với các cơ quản quản lý các nước, các tổ chức quốc tế để có giải pháp, chính sách phù hợp.