Ngày 6-8, các nhà đầu tư tại châu Á đã lấy lại bình tĩnh sau một ngày bán tháo điên cuồng khắp thế giới vì lo ngại khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, theo báo New York Times.
Tại Nhật Bản, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đã chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong lịch sử, giảm tới hơn 12% vào hôm 5-8, đóng cửa ở mức 31.458,42 điểm – ngày tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ “thứ hai đen tối” năm 1987. Tuy nhiên, Nikkei 225 đã phục hồi vào ngày 6-8, có lúc tăng 11%.
Chứng khoán Hàn Quốc – có lúc giảm hơn 10% vào hôm 5-8 – đã phục hồi với mức tăng khoảng 4% vào ngày hôm nay.
Sự biến động trên thị trường chứng khoán bắt đầu vào tuần trước tại Nhật Bản, nơi nhà đầu tư lo ngại về tình hình kinh tế Mỹ cũng như tác động của đồng yen tăng giá đối với lợi nhuận của doanh nghiệp.
Đồng yen tăng giá kết hợp với việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất đã tạo tâm lý chung bất ổn cho các nhà đầu tư trên khắp thế giới.
Triển vọng lãi suất cao hơn khiến đồng yen mạnh lên. Đây là xu hướng có thể tốt cho nền kinh tế Nhật Bản trong dài hạn, nhưng sẽ là lực cản đối với lợi nhuận của doanh nghiệp, đặc biệt đối với các công ty lớn phụ thuộc vào việc buôn bán ra nước ngoài.
Sự tăng giá của đồng yen đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ. Một số người lo ngại đồng yen mạnh hơn báo hiệu sẽ kết thúc đợt tăng trong thời gian dài của chứng khoán Nhật Bản vốn đã được thúc đẩy bởi đồng yen yếu đi.
Trong diễn biến mới, đồng yen giảm vào ngày 6-8, giao dịch ở mức khoảng 145 yen đổi 1 USD, so với mức 141 yen đổi 1 USD vào ngày hôm trước.
Trong khi đó, hôm 2-8, báo cáo việc làm của Mỹ cho thấy sự chậm lại đáng kể trong việc tuyển dụng, thúc đẩy đợt bán tháo trên thị trường Mỹ. Sự hoảng loạn lan rộng hơn đã diễn ra vào ngày 5-8 vì nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lãi suất ở mức cao quá lâu, dẫn tới thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ.
Tại Phố Wall, chỉ số S&P 500 giảm 3% còn 5.186 điểm vào ngày 5-8 – mức giảm hằng ngày mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 9-2022.
Fed dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất – hiện đang ở mức cao nhất trong hơn hai thập niên – vào cuối năm nay.
Giờ đây trong lúc phản ứng dây chuyền của việc đồng tiền Nhật Bản tăng mạnh có vẻ đang lắng xuống thì các nhà phân tích dự đoán những biến động lớn trên thị trường sẽ tiếp tục cho đến khi có thông tin rõ ràng hơn về hướng đi của nền kinh tế Mỹ.