Chung tay chấm dứt bạo lực, thúc đẩy bình đẳng giới

Vai trò của nam giới và trẻ em trai được xem có đóng góp quan trọng vào bình đẳng giới – Ảnh: Q.L.

Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về vai trò nam giới và cộng đồng trong việc phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Sự kiện được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ TP, UBND huyện Nhà Bè và Cần Giờ cùng Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức.

Thống kê cho thấy tại Việt Nam, bạo lực với phụ nữ và trẻ em là một vấn đề nhức nhối. 72% trẻ em trong độ tuổi 10 – 14 từng bị bạo lực. Trong đó, 39% trẻ bị bạo lực tinh thần, 47% bị xâm hại thể chất, 20% bị xâm hại tình dục và 29% bị bỏ bê. Cũng vậy, gần 63% phụ nữ ở Việt Nam ít nhất đã từng chịu một hoặc nhiều hơn các hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tình cảm và kinh tế cũng như hành vi mất kiểm soát do chồng hoặc bạn tình gây ra.

Các chuyên gia nói sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới là vô cùng quan trọng, vì lợi ích của chính bản thân họ cũng như của phụ nữ và trẻ em.

Bà Lê Thị Lan Phương – quản lý chương trình Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái của UN Women Việt Nam – nói: “Chúng ta có thể xây dựng cộng đồng là nơi tôn trọng và an toàn, mỗi cá nhân đều có quyền được sống cuộc sống không có bạo lực”.

Ông Lê Văn Thinh, giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết những năm qua TP.HCM đã có nhiều chính sách và giải pháp thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Ông Thinh dẫn chứng mô hình Bồ Công Anh một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bạo lực xâm hại trên địa bàn TP.HCM đặt tại Bệnh viện Hùng Vương và Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.

“Sau hơn một năm thí điểm, mô hình này đã hỗ trợ 133 trường hợp bị bạo lực, xâm hại, trong đó 108 trường hợp sinh con ở độ tuổi 13 – 17. Tình trạng trẻ em sinh ra trẻ em không chỉ ảnh hưởng về thể xác, tinh thần cho trẻ em, người bị bạo lực, xâm hại mà còn gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội”, ông Thinh nói.

Các hoạt động truyền thông không chỉ giúp nam giới và cộng đồng nâng cao hiểu biết, giảm thiểu các hành vi bạo lực giới mà còn góp phần kiến tạo môi trường sống an toàn, thân thiện cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Chương trình giúp kết nối, đồng hành cùng các ngành, các cấp triển khai hiệu quả “Chương trình TP an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2022 – 2026” tại TP.HCM.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *